Viết văn như là nhu cầu tự thân

05-09-2011 11:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhiều người cho rằng nhà văn hiện nay ngại viết là vì thù lao. Đồng tiền nhuận bút nhận được chẳng bõ công sức hoặc quá rẻ mạt.

Có một điều đáng phàn nàn về nền văn học Việt Nam là hiện nay, không thấy những nhà văn nổi tiếng cho ra đời thêm những tác phẩm mới. Các độc giả đã từng yêu quý những nhà văn này có tâm lý chờ đợi, đón đọc mà vẫn chưa thấy tác phẩm mới của họ. Vì sao có hiện tượng các nhà văn chững lại không viết? Có thể lý giải đó là ý thức văn chương.

Nhiều người cho rằng nhà văn hiện nay ngại viết là vì thù lao. Đồng tiền nhuận bút nhận được chẳng bõ công sức hoặc quá rẻ mạt. Có cả trăm bài báo nói về chuyện nhuận bút cho mỗi cuốn sách của các nhà văn. Phải khẳng định rằng xã hội ta vẫn cần văn học, cần những đứa con tinh thần của các nhà văn. Thế nhưng, các nhà văn đã thành danh như Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Lê Lựu với Thời xa vắng... chẳng thể nào cho ra đời được những tác phẩm vượt lên được những cuốn đã làm nên tên tuổi họ. Họ đã chẳng thể nào “đẻ” được những đứa con tinh thần mà nhiều bạn đọc yêu quý chờ đợi.
  Các nhà văn thành danh này bây giờ khó cho ra tác phẩm vượt qua tác phẩm đã làm nên tên tuổi họ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhiều lần vào Khoa Sáng tác văn học của Trường Đại học Văn hóa nói chuyện văn chương, chấm thi. Tôi có hỏi: “Thưa chú, chú đang viết hoặc đang ấp ủ cuốn nào vậy?”. Nguyễn Khắc Trường lắc đầu: “Chú không viết nữa vì viết không bằng cái trước thì viết làm gì. Người ta cười cho”.

Một nhà văn theo tôi cũng là người đầy cá tính và lòng tự trọng là Hà Nguyên Huyến, khi hỏi về chuyện viết lách, ông cũng nói mình viết không bằng những truyện đã được giải thì không viết nữa, bạn văn cười cho.

Người được tôi chờ đợi nữa là tác giả của Nỗi buồn chiến tranh, một tác phẩm xuất sắc và được báo chí nước ngoài đánh giá là tiểu thuyết đích thực, được dịch và đọc nhiều ở nước ngoài. Đã có nhiều nhà phê bình, bè bạn nhắc về hiện tượng của Bảo Ninh: Vì sao ông vẫn không cho ra đời tác phẩm khác? Bảo Ninh cũng sợ mình viết không vượt nổi Nỗi buồn chiến tranh. Bởi vì tác phẩm đó đã là cái tôi của ông. Và ông không thể vượt được cuốn đã viết, có chăng chỉ là sự nhái lại, sự phác thảo lại. Hoặc nhà văn Bảo Ninh không thể làm nên một tác phẩm mới có một thiên kiến mới hoàn toàn.

Người viết văn, theo tôi, cũng như người đi đánh cá. Có chuyến đánh được cá to, chuyến kiếm được cá nhỏ. Thời thanh niên, có thể ông đánh được cá to, nhưng không thể bắt ông khi có tuổi đừng đánh bắt nữa nếu không bắt được con cá to hơn con cá mà mình đã bắt. Như vậy không công bằng với ông. Các nhà văn đáng kính của tôi cũng vậy, tôi ủng hộ cái ý nghĩ “khi nhà văn còn viết thì tác phẩm hay nhất vẫn ở phía trước”.

  

Không ai cấm cản các nhà văn đừng đề cao lòng tự trọng cá nhân cũng như cá tính mỗi người. Nhưng đã mang tiếng là nhà văn, là người đã được công chúng yêu quý, chờ đợi thì tại sao không thể đáp ứng nguyện vọng đó bằng nhiệt huyết mới của mình? Ông thầy của tôi làm nghiên cứu nói rằng, rất khó để các nhà văn không lặp lại mình. Có thể tác phẩm thứ nhất của họ là một hiện tượng, cho họ vinh quang. Và những tác phẩm tiếp theo chỉ là sự pha loãng của tác phẩm trước, một sự kéo dài cái vinh quang đó. Điều này chứng tỏ triết lý: “kéo dài ưu điểm thành nhược điểm” là đúng. Vì sao ta không có những tiểu thuyết lớn, thành những tập “dài hơi”? Bởi vì nhà văn ta viết đuối ở đoạn sau. Phần đầu có thể đọc rất hấp dẫn nhưng càng về sau càng thấy nhạt. Một số người cho rằng: “Không thể lảng tránh mà không nói rằng đó là do cái tầm tư tưởng của nhà văn. Phần lớn nhà văn đắm đuối với những ý nghĩ, những trăn trở cỏn con xung quanh cuộc đời họ. Bởi vì họ không được cọ xát, mở mang, không có cái nhìn với tâm thế của một nhà triết học hay một nhà tư tưởng. Đồng ý nhà văn không phải là nhà tư tưởng, nhưng phải có cái nhìn của nhà tư tưởng. Có như thế thì nhà văn mới không chỉ dừng lại là một người viết”.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nền kinh tế nước ta khiêm tốn, nền giáo dục khiêm tốn, vậy thì làm sao bắt các nhà văn đạt được những điều quá sức của họ. Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã chứng minh rằng, con người chỉ đạt được những điều vừa tầm tay với của họ. Trong khi tạo hóa đã tạo ra con người Việt Nam bé nhỏ về vóc dáng, ý thức văn chương tốt, họ có ý chí vươn lên, làm mới, họ đã cố gắng cả rồi, còn đạt được bao nhiêu lại là chuyện khác.

Không thể phủ nhận nhà văn chúng ta không có căn bản tư tưởng triết học. Nếu có một điều gì đó sâu sắc mà anh ta đạt được có thể chỉ là ngẫu nhiên. Chúng ta phải có tầm nhìn sâu rộng, góp một tiếng nói tư tưởng để không chỉ phản ánh cái tạm thời mà phải khơi gợi cái nhìn lớn lao về thời đại sống. Rất ít nhà văn có được cái nhìn sâu rộng về bề dày văn hóa, lịch sử, nhất là những nhà văn trẻ.

Rất nhiều nhà văn viết như một nhu cầu tự thân, như một ý thức văn chương chứ không hề nghĩ đến những đồng nhuận bút. Thời hiện đại xô bồ với bao nhiêu nỗi lo toan. Một số người cầm bút nhiều khi chọn cho mình công việc là làm thơ, một số người vẫn cày cục trên cánh đồng chữ nghĩa, vật lộn với những trang tiểu thuyết, quên cả công việc kiếm sống. Tôi không có ý gì với người làm thơ, nhưng thực tế người làm thơ ở ta quá nhiều mà người viết tiểu thuyết thì khiêm tốn. Một phần do yếu tố đời sống văn hóa của ta quy định, phần khác do chây lười. Nhà văn chuyên nghiệp thường phải luôn ép mình ngồi vào bàn viết. Những người này phải kể đến Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Chu Lai... Dù gì thì họ cũng có ý thức sáng tác, vận động mình cầm bút. Gần đây, tôi nghe thấy một cây bút trẻ lu loa rằng mình sẽ không thèm viết tiểu thuyết. Vì có viết ra cũng chẳng ai hiểu, cái tầm tư tưởng của anh ta sẽ chẳng có ai nắm bắt kịp. Và cũng vì mấy đồng nhuận bút bèo bọt được trả, anh ta chẳng dại mài đũng quần để làm cái chuyện vô bổ. Xin thưa với “đại văn hào” đó hoặc với người nào có ý nghĩ đó hãy nghĩ lại. Ngay khi anh có ý nghĩ đó thì dù cái tài của anh có đến đâu cũng đã bị người đọc và đồng nghiệp coi thường rồi.

Căn bệnh này chỉ có nhà văn mới tự chữa được. Cũng là để khôi phục lại nền văn học dường như đang xuống dốc. Chúng ta không thể nhìn đời với cái nhìn hằn học hay tách bạch mình ra khỏi thế giới này. Chúng ta cũng không thể nuôi mãi những tư tưởng cỏn con mà phải hướng đến những tầm vóc mới, là sự tìm tòi tư duy sáng tạo. Và khi chúng ta còn cầm bút thì những tác phẩm để đời còn đang ở phía trước. 

Văn Học


Ý kiến của bạn