Hà Nội

Viết sách giáo khoa chỉ hết… 5.000 tỉ đồng!

16-04-2014 05:20 | Thời sự
google news

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến dành 5.000 tỉ đồng từ gần 35.000 tỉ đồng trong đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa để viết lại sách giáo khoa, trong khi các chuyên gia giáo dục cho rằng viết sách giáo khoa chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến dành 5.000 tỉ đồng từ gần 35.000 tỉ đồng trong đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa để viết lại sách giáo khoa, trong khi các chuyên gia giáo dục cho rằng viết sách giáo khoa chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng

Những khúc mắc quanh con số khổng lồ của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 cũng như những lo ngại trong đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014 đã khiến buổi họp báo chiều 15-4 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức trở nên căng thẳng với nhiều câu hỏi “nóng”.

Mới chỉ là con số khái toán

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ dự trù kinh phí cho đề án là 34.275 tỉ đồng, bao gồm đổi mới chương trình, SGK, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 15-4, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban Soạn thảo đổi mới chương trình SGK, cho rằng con số hơn 34.000 tỉ đồng này mới chỉ là khái toán. “Đây mới chỉ là con số tạm hình dung, phải qua thẩm định của Bộ Tài chính, thẩm tra của Quốc hội mới có con số cuối cùng. Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ là bước đầu, còn nhiều bước nữa. Có thể coi đây là buổi bảo vệ thử luận án, chúng tôi sẽ bảo vệ chính thức trước Quốc hội vào tháng 5” - ông Thống nói.

Sách giáo khoa sẽ được viết lạiẢnh: Tấn Thạnh
Sách giáo khoa sẽ được viết lạ iẢnh: Tấn Thạnh

Chuyên gia này cũng cho rằng con số gần 35.000 tỉ đồng không chỉ dùng cho việc viết sách mà có tới 7-8 đầu việc. “Tên đề án khiến người ta hiểu nhầm. Số tiền dành cho việc viết sách chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng, chúng tôi không chỉ viết sách mà còn phải bồi dưỡng cho hàng triệu giáo viên ở 35.000 trường học trên cả nước trong hàng chục năm” - ông Thống lý giải thêm. Chuyên gia này cũng tiết lộ: Song song với đề án đổi mới chương trình - SGK này là 2 đề án về cơ sở vật chất và đề án đào tạo giáo viên. Như vậy, Quốc hội sẽ phải thông qua 3 đề án để có thể đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Tận dụng, tránh đầu tư quá nhiều

Trước câu hỏi của các phóng viên liệu dự thảo đề án đổi mới chương trình SGK 2014 có gì mới hơn so với Nghị quyết 40 của Quốc hội đã ban hành trước đó gần 14 năm, ông Đỗ Ngọc Thống cho biết lần đổi mới này có những điểm khác căn bản như chuyển cách tiếp cận nội dung, từ chạy theo kiến thức sang hình thành năng lực, học sinh biết phải làm gì khi vận dụng kiến thức đó. Trong lần thay đổi này, chương trình sẽ được thiết kế xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, hạn chế trùng lắp, không cắt khúc. Do tích hợp nên có thể giảm bớt một số môn học, không dạy học phân ban mà học sinh chỉ học một số môn bắt buộc, các môn khác học tự chọn, căn bản hết lớp 9 là qua phổ thông…

Về băn khoăn liệu có nên tiết kiệm bằng cách học hỏi chương trình - SGK của các nước tiên tiến đối với các môn tự nhiên, chỉ đầu tư viết mới các môn khoa học xã hội cho phù hợp với Việt Nam, ông Thống cho biết tinh thần chung của Bộ GD-ĐT là hội nhập quốc tế nhưng cũng phải có đánh giá mặt bằng chung của ta so với quốc tế như thế nào. “Lãnh đạo bộ đã nghĩ đến việc dứt khoát phải xây dựng một chương trình - SGK của Việt Nam nhưng học tập cách có hệ thống, cơ bản cập nhật SGK thế giới” - ông Thống nói.

Trước ý kiến của PGS Văn Như Cương cho rằng việc viết SGK chỉ có thể tốn khoảng 34-36 tỉ đồng, tính cả các phát sinh với yêu cầu cao hơn thì cũng chỉ làm tròn thành 100 tỉ đồng, bằng 3/1.000 số đã công bố, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng chưa nhận được kiến nghị cụ thể về việc này. “Với khoảng 5.000 tỉ đồng mà bộ dự kiến cho việc viết sách, Bộ Tài chính sẽ phải kiểm tra, thẩm định trước khi có quyết định cuối cùng. Tinh thần của đổi mới chương trình - SGK lần này là tận dụng những gì đã có để tránh đầu tư quá nhiều. Lần đổi mới này là đổi mới cách dạy và học, cơ sở vật chất, trang thiết bị chỉ đổi mới tối thiểu” - ông Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

Không dễ sửa điểm học bạ

Trước những lo ngại học sinh lớp 12 sẽ đỗ tốt nghiệp 100% qua cách tính mới, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho rằng việc tốt nghiệp 100% chỉ là dự đoán và còn phải chờ. Ông Trinh cho hay nhiều sở GD-ĐT đã thực hiện quản lý điểm bằng phần mềm nên không thể sửa điểm dễ dàng như lo lắng. “Bộ sẽ tăng cường thanh tra xử lý những vi phạm liên quan đến việc này. Lâu dài phải khơi dậy tính tự giác của các nhà giáo, nhà trường và học trò” - ông Trinh nói.

Ông Trinh cho rằng những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, những gì được cụ thể hóa trong năm nay đều đã có trong hướng dẫn năm học. “Năm nay thi môn văn sẽ có phần đọc hiểu và làm văn, ngoại ngữ có phần trắc nghiệm và thi viết. Thi không chỉ đánh giá xem học sinh đạt được trình độ nào mà nó còn có tác động tích cực đến quá trình dạy học của các em và nhà trường” - ông Trinh nói.

 


Ý kiến của bạn