Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thông tin trên được TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo tại buổi họp báo sáng nay, 19/6. Buổi lễ công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế của WHO sẽ được Bộ Y tế long trọng tổ chức vào ngày 22/6 tới đây.
Đây là thành tựu đáng tự hào của Bộ Y tế Việt Nam. Theo đó, các vắc xin sản xuất tại Việt Nam có đủ điều kiện để tiền thẩm định trước khi xuất khẩu.
TS. Cường cho biết, để đạt được thành tựu này, Việt Nam đã chuẩn bị trong thời gian dài rất kỹ lưỡng (từ năm 2001), và bắt đầu tăng tốc cách đây gần 2 năm. Hơn một năm qua, 30 chuyên gia của WHO đến từ 12 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin để đạt tiêu chuẩn quan trọng này.
Sản xuất vắc xin tại Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế. (Ảnh: T.Minh)
Để đảm bảo các sản phẩm vắc xin có chất lượng và an toàn, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nội dung theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin của WHO. Các tiêu chí trong bộ công cụ nhằm hướng dẫn các quốc gia tự đánh giá về việc thực hiện các chức năng quản lý để hướng tới mục tiêu cao nhất là vắc xin sản xuất ra đảm bảo an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn thống nhất của quốc tế.
Đạt được NRA vẫn là thách thức của nhiều nước phát triển. Ông Lahouari Belgharbi, trưởng đoàn chuyên gia WHO khẳng định: “Đến thời điểm này, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận “Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA)” đạt theo tiêu chuẩn của WHO, chuẩn mực quốc tế. Với năng lực của Việt Nam về hệ thống quản lý chất lượng vắc xin, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vắc xin nhiều nhất trên thế giới”.
Với việc đạt chứng nhận NRA, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp vắc xin, thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa mà chủ yếu là khoảng 1,7 triệu trẻ em mới sinh hàng năm, nay các nhà sản xuất vắc xin trong nước có cơ hội nâng cao năng lực, sản xuất vắc xin để xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới, đặc biệt cho các chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cần nguồn vắc xin giá thành phải chăng và đảm bảo chất lượng, độ an toàn. Đồng thời, các nước sẽ quan tâm đầu tư sản xuất vắc xin tại Việt Nam.
Việc Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu trong nước về chất lượng vắc xin, mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu vắc xin ra thế giới. Bởi vì, một trong các điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vắc xin là không chỉ nhà máy đạt chuẩn, mà hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin cũng phải đạt theo tiêu chuẩn của WHO. Đây được coi là bước tiến quan trọng của Bộ Y tế Việt Nam, mở ra cánh cửa xuất khẩu vắc xin “Made in Việt Nam” ra thế giới, góp phần cung cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và cho toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được 10/12 vắc xin phục vụ cho chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Dự kiến đến năm 2018 sẽ cơ bản đáp ứng toàn bộ nhu cầu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng và tiếp tục nghiên cứu sản xuất các vắc xin đa giá (5 trong 1, 6 trong 1…).
TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược trả lời phóng viên tại buổi họp báo
Hạ Hiền