Ngày 25/03/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven biển và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC).
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết
Liên quan tới vụ việc hai tàu cá của Việt Nam bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Theo thông tin nhận được từ các cơ quan chức năng, vào ngày 18/3, hai tàu cá của Việt Nam mang số hiệu BB4419TS có khoảng 20 ngư dân và tàu cá BL93333TS có khoảng 12 ngư dân trên tàu đã bị lực lượng chức năng của Indonesia bắt giữ trong khi đang đánh cá tại khu vực đường ranh giới phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia.
Ngay khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã tuyên truyền, đề nghị phía Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá.
Bộ Ngoại giao ngay sau khi nhận được thông tin đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia liên hệ với cơ quan chức năng Indonesia yêu cầu cung cấp thông tin, xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Bộ Ngoại giao đã trao đổi với các cơ quan, cũng như các địa phương liên quan để thu thập thêm thông tin, để có cơ sở tiếp tục trao đổi với phía Indonesia về việc nói trên dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định để xây dựng và phát triển đất nước
Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết về cách tiếp cận của Việt Nam với tư cách là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề Myanmar, ông Đỗ Hùng Việt - Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao cho biết:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần thể hiện quan điểm chính thức của Việt Nam về vấn đề này.
Về HĐBA, kể từ sau khi có diễn biến mới tại Myanmar, HĐBA đã 2 lần họp về tình hình ở đây và thông qua 2 tuyên bố, 1 tuyên bố Báo chí và 1 tuyên bố Chủ tịch HĐBA vào ngày 10/3. Hai tuyên bố này có các nội dung chính như sau: kêu gọi các bên kiềm chế sử dụng vũ lực, bảo đảm an toàn và tiếp cận nhân đạo cho người dân; khẳng định ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của ASEAN trong vấn đề hỗ trợ ASEAN giải quyết vấn đề với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích của người dân Myanmar.
Việt Nam là nước láng giềng trong khu vực của Myanmar, đồng thời cũng là thành viên của ASEAN. Hiện nay Việt Nam là nước ASEAN duy nhất trong HĐBA LHQ, chính vì vậy Việt Nam rất quan tâm theo dõi tình hình ở Myanmar và tham gia một cách chủ động, tích cực trong các trao đổi về tình hình Myanmar tại ASEAN cũng như là HĐBA LHQ.
Với tư cách là nước ASEAN duy nhất tại HĐBA, Việt Nam đã rất nỗ lực đóng vai trò cầu nối giữa nỗ lực quốc tế với nỗ lực của khu vực, với mong muốn Myanmar sớm ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực cũng như tiến tình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Về dự kiến các chương trình của tháng 4, hiện chưa có cuộc họp chính thức nào của HĐBA liên quan đến Myanmar được lên kế hoạch. Tuy nhiên, Myanmar đã là một vấn đề nằm trong chuơng trình nghị sự của HĐBA, nên cũng không loại trừ khả năng sẽ có nước yêu cầu tổ chức cuộc họp. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của HĐBA, Việt Nam sẽ xử lý yêu cầu đó phù hợp với yêu cầu và hoạt động của HĐBA".
Trước thông tin một số lãnh đạo thành viên khối ASEAN đang kêu gọi nhóm họp lãnh đạo cấp cao sớm nhất có thể về tình hình Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại đã từng phát biểu về vấn đề này. Việt Nam quan ngại về tình hình bất ổn, bạo lực và thương vong đối với thường dân ở Myanmar.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước thành viên ASEAN khác trao đổi về các biện pháp hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, sớm ổn định tinh hình, đóng góp và xây dựng cộng đồng ASEAN hoà bình, ổn định và thịnh vượng.
Các đề xuất của các nước thành viên ASEAN sẽ được xem xét theo nguyên tắc và quy trình của ASEAN.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của LHQ trong ổn định tình hình và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Libya
Trả lời câu hỏi về bình luận của Việt Nam trước việc Libya vừa qua đã bầu ra Chính phủ lâm thời, Người Phát ngôn, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Việt Nam hoan nghênh việc Libya bầu Chính phủ lâm thời nhằm dẫn dắt đất nước hướng đến cuộc bầu cử chính thức vào tháng 12/2021 và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng Thỏa thuận ngừng bắn ký kết tháng 10/2020 và thời hạn tổ chức bầu cử chính thức.
Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao vai trò hỗ trợ của Liên hợp quốc, Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) và Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế trong ổn định tình hình và tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho vấn đề Libya.