Việt Nam xuất khẩu nông sản năm 2022 lập kỷ lục mới

29-12-2022 14:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Xuất khẩu nông sản năm 2022 của Việt Nam xác lập kỷ lục mới về tổng giá trị và thặng dư thương mại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản năm 2022 của Việt Nam với nhiều con số tăng trưởng rất ấn tượng.

Theo đó, trong tháng 12/2022, xuất khẩu các sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 53,22 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021), mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Trong đó, nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%.

Đáng chú ý, 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), và 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).

Việt Nam xuất khẩu nông sản năm 2022 lập kỷ lục mới - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản năm 2022 của Việt Nam xác lập kỷ lục mới (Ảnh minh hoạ).

Đặc biệt, năm 2022, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành nông nghiệp, đóng góp chủ lực (chiếm khoảng 77%) trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các kết quả trên đạt được do trong năm 2022, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản.

Bên cạnh đó là việc chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Theo dõi sát diễn biến giá cả và cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, đề xuất kịp thời các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ.

Mặt khác, toàn ngành nông nghiệp đã chú trọng thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.

Trong năm 2022, toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Úc, New Zealand, Trung Đông)...


Hoàng Cường (T/h)
Ý kiến của bạn