Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2023 về Dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam. Trong đó, có những số liệu đáng chú ý liên quan đến kỳ thi IELTS.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia cho biết, theo dữ liệu từ tổ chức IELTS, điểm thi trung bình của người Việt năm 2022 là 6.2/9.0, xếp thứ 23 trên tổng số 40 quốc gia tổ chức kỳ thi IELTS, cùng hạng với Hàn Quốc, Pakistan và Ấn Độ.
Theo báo cáo, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT xét duyệt kỳ thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thông qua điểm thi một số kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEIC. Cụ thể, Bộ GD&ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Năm 2021, hơn 28.600 thí sinh thuộc diện miễn thi, năm 2022 tăng lên hơn 35.000 thí sinh và năm nay gần 47.000 em. Ngoài ra, hàng chục đại học xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS và tương đương. Đây là những lý do khiến nhóm thí sinh ở độ tuổi này tăng.
Báo cáo cũng chỉ ra, độ tuổi thi IELTS của người Việt Nam ngày càng trẻ hơn. Cụ thể, vào năm 2018, hơn 50% người thi IELTS có độ tuổi trên 23. Chỉ gần 1,5% người thi IELTS thuộc độ tuổi 16-18, hơn 13% trong nhóm 19-22 tuổi.
Sau 5 năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16-22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%. Tính riêng, nhóm 16-18 tuổi chiếm 30%, tăng 20 lần so với năm 2018; nhóm 19-22 tuổi tăng hơn hai lần; còn nhóm trên 23 tuổi giảm hơn một nửa, từ gần 52 xuống 20%.
Báo cáo thường niên năm 2023 về Dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam cũng cho rằng, kết quả của học sinh Việt Nam chưa thực sự vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Học sinh Việt Nam thể hiện thế mạnh trong môn đọc (reading) và nghe (listening), và gặp khó khăn nhất với môn nói (speaking), trong đó điểm trung bình môn nói cho kỳ thi TOEFL là 14/30 và cho kỳ thi IELTS là 5.8.
Ngoài ra, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, điểm thi trung bình của học sinh từ năm 2021 - 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% học sinh đạt dưới điểm 5. Do đó, trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm tới những rào cản mà học sinh Việt Nam đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp học sinh Việt Nam có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, xu hướng học ngoại ngữ của học sinh phổ thông hiện nay ngày càng lớn, cho thấy sự quan tâm đến học ngoại ngữ ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ nhu cầu từ bản thân các em, các em xem ngoại ngữ là một công cụ quan trọng để tìm hiểu thế giới.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đối với kết quả khảo sát, đánh giá triển khai môn Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kết quả khảo sát cho thây sự hứng thú của học sinh đối với môn Tiếng Anh, xu hướng tích hợp công nghệ trong dạy học tiếng Anh, sự hiệu quả của công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, việc dạy tiếng Anh cũng được xem xét trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu và các cấu phần trí tuệ cảm xúc xã hội. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam.
GS. Lê Anh Vinh đánh giá cao vai trò tiên phong của đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong việc cập nhật các phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động dạy học. Điều này góp phần nâng cao năng lực tiếng Anh hơn 10 năm qua, dần thay đổi nhận thức của học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội về việc học ngoại ngữ tại Việt Nam.