SKĐS: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, qua phiên họp bên lề về Bệnh truyền nhiễm mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12, Việt Nam có những bài học gì từ các nước bạn?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Đó là sự chủ động tích cực từ tất cả các cơ ban ngành đoàn thể mà trong đó Bộ Y tế đóng vai trò chủ đạo. Bài học từ Malaysia, khi dịch MERS-CoV vào Malaysia, ngay lập tức Malaysia đã rất chủ động, thành lập lên ủy ban ứng phó, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân về công tác phòng chống. Thứ hai là trong khu vực có ngay kế hoạch phống hợp phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong kế hoạch này có một điểm nhấn rất quan trọng là vấn đề “Truyền thông nguy cơ’ – cung cấp các thông tin, nguy cơ, diễn biến của dịch cũng như các biện pháp phòng chống cho người dân. Vấn đề tiếp theo là chuẩn bị cơ sở vật chất, về xét nghiệm mà Trung Quốc và Malaysia có đề cập. Việt Nam hiện nay có thể xét nghiệm được MERS-CoV, cúm A (H7N9).
SKĐS: Xin thứ trưởng nói thêm về kinh nghiệm phòng chống dịch Ebola?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chúng ta đã đáp ứng rất kịp thời và khẩn trương với dịch Ebola. Sau khi có cuộc họp của WHO tại Tây Phi, Việt Nam đã ngay lập tức kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, có những sự phối hợp liên ngành, và thông tin rất kịp thời đến với người dân. “Văn phòng đáp ứng khẩn cấp” của Bộ Y tế đã được kích hoạt. Văn phòng này là một nơi để chia sẻ thông tin giữa Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức nông lương LHQ và Bộ Y tế. Từ đó chúng ta bàn thảo các biện pháp phòng chống.
Đoàn đại biểu cấp cao trong Hội nghị về phòng chồng các bệnh truyền nhiễm mới nổi
SKĐS: Trước tình hình hiện nay thì Bộ Y tế sẽ tập trung phòng chống bệnh dịch gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chúng ta vẫn phải đặc biệt lưu ý những dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERS-CoV, H7N9. Trong mùa đông-xuân tới đây, Bộ Y tế sẽ gửi văn bản tới Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần lưu ý những dịch bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt với H7N9 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Ngoài ra, vẫn phải lưu ý triển khai những biện pháp phòng chống những bệnh đang lưu hành như Sởi, sốt xuất huyết.
SKĐS: Việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có những khó khăn gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Khó khăn đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi là có những bệnh còn chưa rõ căn nguyên, hoặc Ebola chúng ta rõ căn nguyên thì gặp khó khăn về mặt chẩn đoán. Không phải tất cả các nước đều có thể chẩn đoán được được Ebola. Hiện nay trên thế giới chỉ có 9 phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm chẩn đoán được Ebola. Chúng tôi đang tích cực làm việc với WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và CDC (Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ) để Việt Nam có thể chẩn đoán được bệnh này. Hay đối với MERS-CoV (dịch hô hấp cấp Trung Đông), việc khống chế đi lại để ngăn chặn lây nhiễm là điều rất khó khăn. Một khó khăn chung của các nước ASEAN là năng lực tài chính. Trong Hội nghị lần này chúng tôi kêu gọi các nước cần phải có quan tâm đầu tư về tài chính và thậm chí cả can thiệp chính trị trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
SKĐS: Việt Nam đang có sự hợp tác như thế nào với ASEAN trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Trong khu vực, Việt Nam được bình chọn là nước đi đầu trong công tác phòng chống bệnh dại. Trong hội nghị lần này cũng sẽ thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN về vấn đề này. Hiện nay Việt Nam cũng đang kêu gọi các nước cùng tham gia diễn đàn sáng kiến của các nhà lãnh đạo Châu Á Thái Bình Dương về phòng chống sốt rét và kháng thuốc sốt rét. Sáng kiến này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia đồng chủ trì và bảo trợ. Chúng tôi kì vọng trong phiên họp cấp cao tới đây tại Myanmar, sáng kiến này sẽ được đưa vào tuyên bố chung.
Thanh Giang