Hà Nội

Việt Nam và các nước ASEAN chung tay xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc

20-11-2018 14:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới

Từ ngày 20-21/11, tại TP Hội An (Quảng Nam), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phối hợp với  Liên minh Phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương Tổ chức Hội nghị các nước khu vực ASEAN về Xây dựng thành phố không thuốc lá (SCAN) lần thứ 6.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu quốc tế đại diện cho các thành phố du lịch không khói thuốc lá của các nước: Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung quốc, Indonesia, Myanma,  Malaysia, Philippin, Mông cổ. Cùng đại diện một số Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), Tổ chức Hỗ trợ thực thi chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá (GGTC).

Các đại biểu của Việt Nam và các nước ASEAN cùng bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng môi trường du lịch không thuốc lá

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Ủy viên Hội đồng Quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: Tại Việt Nam, công tác  xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc đã được Bộ Y tế và Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá triển khai từ năm 2009 tại Hội An và mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố khác như  Hạ Long, Huế, Nha Trang, Hải phòng...

Tại các thành phố này, quy định cấm hút thuốc lá được triển khai trước hết trong các nhà hàng, khách sạn, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện. Việc xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc không những giúp tạo dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch, đẹp trong mắt du khách quốc tế mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới.

Các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực triển khai gồm: thực hiện môi trường 100%  không khói thuốc; In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; Tăng thuế thuốc lá;  Thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá. Trong đó, công tác xây dựng thành phố không khói thuốc đang trở thành xu thế được nhiều nước thực hiện.

Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng mô hình thành phố du lịch không khói thuốc tại một số tỉnh, thành phố du lịch như Hội An, Huế, Hạ Long, Nha Trang… tại 63 tỉnh thành phố, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc đã và đang được triển khai rộng khắp.

“Hàng trăm ngàn biển báo, pa nô  cấm hút thuốc được treo, dán tại các địa điểm du lịch, các cơ quan công sở, bệnh viện, trường học nhắc nhở người dân và du khách tuân thủ quy định cấm hút thuốc. Trên vé vào cửa và các bản thông tin hướng dẫn tại nhiều địa điểm di tích, khu du lịch cũng ghi rõ quy định cấm hút thuốc lá. Tại các thành phố du lịch, hoạt động truyền thông quảng bá thành phố không khói thuốc còn được lồng ghép qua các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch... với sự tham gia của hàng chục ngàn người”- Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa thông tin.

Ngoài ra, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc vào quy chế  nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động...

Đại diện đoàn Việt Nam và TP Hội An nhận  biểu trưng công nhận địa điểm di sản không thuốc lá do  SEATCA trao tặng cho TP Hội An

Thông tin tại hội nghị cho biết, trong thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tiếp tục hỗ trợ các tỉnh thành phố đẩy mạnh xây dựng môi trường không khói thuốc,  thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng chú trọng tới các khu vực trong nhà của nhà hàng, quán bar, quán cà phê, các địa điểm du lịch; tăng cường truyền thông nâng cao  ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về địa điểm cấm hút thuốc lá; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá.

Ngay trong phiên khai mạc hội nghị,  Ban tổ chức đã trao công nhận các địa điểm di sản không thuốc lá cho các khu du du lịch của Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Việt Nam (có Hội An và Hạ Long)

Vẫn còn hơn 45% nam giới của Việt Nam hút thuốc lá

Theo Báo cáo năm 2016 về “Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)” cho thấy việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá bước đầu đã có hiệu quả, cụ thể: Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%); Tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt 6,5% (từ 45,2% xuống 38,7%);

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 tại hầu hết các địa điểm: Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà hàng giảm từ 84,9% xuống 80,7%; tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%).

“Đây là những chỉ số bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam và mô hình thành phố du lịch không khói thuốc đã chứng minh hiệu quả bước đầu trong việc góp phần đem lại cuộc sống văn minh, trong sạch và lành mạnh hơn không chỉ cho người dân địa phương mà còn với những khách du lịch đến tham quan tại các tỉnh, thành phố này”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Thái Bình
Ý kiến của bạn