Việt Nam ứng dụng thành công ghép tế bào gốc trong điều trị bỏng mắt

12-07-2011 10:11 | Y học 360
google news

Hiện nay, ứng dụng sự phát triển của công nghệ nuôi cấy tế bào, người ta nuôi cấy các tế bào gốc đã định hướng dòng để tạo ra các tế bào trưởng thành nhằm mục đích điều trị bệnh cho một số cơ quan tổ chức nhất định trong cơ thể.

Bệnh nhân N.V.T, 29 tuổi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và bệnh nhân T.V.D, 32 tuổi, Thường Tín, Hà Nội là công nhân xây dựng, do bất cẩn và không bảo hộ lao động khi tôi vôi nên đã để vôi bắn vào mắt trái, nhập viện trong tình trạng thị lực suy giảm nghiêm trọng. Sau khi được các bác sĩ Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt TW thực hiện phương pháp “ghép tự thân tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy”, sau 6 tháng điều trị, thị lực của các bệnh nhân này đã đạt tới 3- 4/10 và đang trong quá trình phục hồi. Theo bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, Khoa Giác mạc Bệnh viện Mắt TW, nếu không thực hiện phương pháp này cho hai bệnh nhân trên thì việc giữ tổ chức giác mạc là rất khó, giác mạc sẽ bị đục dần, có thể thủng, dẫn tới mù loà, thậm chí có thể hỏng nhãn cầu.

Bước đột phá

Hơn 2 năm qua, nhóm các giáo sư, bác sĩ và kỹ thuật viên của Bệnh viện Mắt TW và Trường đại học Y Hà Nội đã phối hợp nghiên cứu và ứng dụng nuôi cấy tế bào gốc trong điều trị một số bệnh về mắt. Thời gian đầu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm thỏ với đề tài “Xây dựng phương pháp ghép tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy và đánh giá sự tồn tại của tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy trên mắt thỏ sau bỏng kiềm”.

Từ những kết quả thu được sau khi nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm thành công trên mắt thỏ, nhóm đã mạnh dạn ứng dụng phương pháp ghép tự thân tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy điều trị hội chứng suy giảm tế bào nguồn do bỏng vôi trên bệnh nhân bị bỏng vôi ở mắt và bước đầu thành công. Bỏng mắt do hóa chất và nhiệt là cấp cứu thường gặp trong nhãn khoa. Bỏng mắt thường phá hủy tổ chức giác mạc, kết mạc, mi mắt... gây nên hội chứng suy giảm tế bào nguồn, nếu không điều trị đúng hướng và kịp thời sẽ gây mù rất nhanh.

 Một ca phẫu thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương.     Ảnh: Khánh Anh

Giờ đây, với bệnh nhân vì một lý do nào đó đã khiến lớp biểu mô giác mạc bị hủy hoại, việc nuôi cấy tế bào gốc của biểu mô giác mạc tạo nên tấm biểu mô giác mạc mới sẽ được tiến hành. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, phương pháp ghép tự thân tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy được tiến hành trên người, nhằm đánh giá kết quả bước đầu của phẫu thuật trong điều trị hội chứng suy giảm tế bào nguồn biểu mô giác mạc trên mắt bị bỏng vôi.

Việc nghiên cứu tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 1960 trên thế giới, nhất là các nước phát triển với các nghiên cứu về tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc tạo máu. Ghép tế bào gốc đã điều trị được nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Gần đây, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học được nghiên cứu và phát triển ở rất nhiều chuyên khoa khác như: mắt, tim mạch, bỏng, da…

Hiện nay, ứng dụng sự phát triển của công nghệ nuôi cấy tế bào, người ta nuôi cấy các tế bào gốc đã định hướng dòng để tạo ra các tế bào trưởng thành nhằm mục đích điều trị bệnh cho một số cơ quan tổ chức nhất định trong cơ thể.

Theo BS. Vũ Tuệ Khanh - Bệnh viện Mắt TW, đại diện nhóm nghiên cứu: Tại Việt Nam, khoảng 10 năm trở lại đây, để điều trị hội chứng suy giảm tế bào nguồn biểu mô giác mạc, phẫu thuật ghép kết mạc rìa tự thân, ghép giác - củng mạc rìa từ giác mạc tử thi, ghép màng ối đã được thực hiện. Mục đích của các phẫu thuật này nhằm tăng số lượng tế bào nguồn hoặc cải thiện môi trường vùng rìa giác củng mạc và hỗ trợ quá trình tái tạo lớp biểu mô giác mạc. Sự thành công trong công nghệ nuôi cấy tế bào biểu mô nguồn vùng rìa trên thỏ và trên người, đã được báo cáo trong nước cũng như nước ngoài, là một phương pháp mới, nhiều hứa hẹn trong việc điều trị hội chứng suy giảm tế bào nguồn biểu mô giác mạc.

Mỗi mô hay tổ chức trong cơ thể đều có tế bào gốc, nhưng nuôi cấy tế bào gốc và ứng dụng để điều trị bệnh của mô tổ chức, đó là một quá trình phức tạp, có thể ví như con đường dài gập ghềnh khó khăn - Bác sĩ Khanh nhận định.

Cần đầu tư cho công nghệ mới

Tính tới tháng 2/2011 đã có 10 bệnh nhân được ứng dụng điều trị theo phương pháp nuôi cấy tế bào gốc. Với những bệnh nhân này, lớp biểu mô giác mạc bị tổn thương do bỏng mắt đã được ghép tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy từ tế bào gốc của biểu mô giác mạc của chính họ, ở mắt lành không bị tổn thương. Bệnh nhân bị bỏng vôi thường đến khám với tình trạng viêm, kích thích nặng nề sau bỏng, thời gian điều trị chống viêm và hỗ trợ biểu mô hóa bề mặt nhãn cầu từ 3 - 6 tháng. Sau phẫu thuật điều trị từ 6 - 8 tháng, mắt các bệnh nhân ổn định và dần cải thiện thị lực. Tuy nhiên để khẳng định kết quả cần có thêm thời gian theo dõi và thêm số lượng bệnh nhân.

Trong những năm tới, Bệnh viện Mắt TW sẽ tiến hành một số nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong nhãn khoa do nhu cầu cần chữa bệnh cao cũng như đòi hỏi vấn đề thẩm mỹ mắt. Tuy nhiên kỹ thuật này có trở nên phổ biến, dễ tiếp cận hay không thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố như trang thiết bị, đội ngũ cán bộ khoa học, y bác sĩ… Hơn nữa, ứng dụng công nghệ tế bào gốc này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của một số ngành như công nghệ tế bào, hóa mô miễn dịch, mô phôi học, sự phối hợp của các bác sĩ lâm sàng, các phẫu thuật viên ở các chuyên khoa liên quan. Điều quan trọng và yếu tố quyết định cho việc ứng dụng tế bào gốc trong y học nói chung và lĩnh vực nhãn khoa nói riêng là cần có sự đầu tư, định hướng chiến lược của Nhà nước và thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên về ứng dụng công nghệ tế bào gốc quốc gia.  

Ngân Hà


Ý kiến của bạn