Trung tướng, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng – Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam đã nhấn mạnh những thông tin này tại Hội nghị khoa học tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29 (năm 2023).
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 1-2/12 có sự tham dự của hơn 1.000 chuyên gia, giáo sư, các y bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa trong nước và quốc tế.
"Đây là dịp để các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quý trong chẩn đoán, xây dựng kế hoạch và phác đồ điều trị, chiến lược điều trị dự phòng các bệnh tiêu hóa với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh"- GS.TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh.
GS.TS Mai Hồng Bàng cho hay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế ,chuyên khoa tiêu Hóa ở nước ta dần lớn mạnh về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại , trình độ cán bộ ngày càng chuyên sâu, biên chế phát triển tới tuyến tỉnh huyện trong cả nước (hiện ta có hơn 800 bệnh viện, nhiều huyện đã có máy soi dạ dày, siêu âm), luôn đòi hỏi cập nhật kiến thức sau đại học, thực hành kỹ thuật mới, trao đổi kinh nghiệm.
Hàng năm, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của các bác sĩ chuyên ngành Tiêu hóa được báo cáo tại các cơ sở, tại các hội nghị lớn trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, bệnh lý tiêu hóa Gan-mật-tụy là một bệnh lý khá phổ biến trên thế giới, gặp ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Số bệnh nhân có bệnh lý tiêu hóa-gan mật tụy đến khám bệnh tại các bệnh viện trong toàn quốc ngày càng gia tăng. Bệnh biểu hiện đa dạng, phong phú, tiến triển âm thầm, nhưng cũng có diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng nặng nặng nề và nguy cơ tử vong cao.
Theo thống kê, trong các bệnh nội khoa tại Việt Nam hiện nay, bệnh lý tiêu hóa vẫn là một trong những mặt bệnh phổ biến nhất. Số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa lên đến gần 10% dân số. Đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như: Ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan, mật, tụy, ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Do đó, công tác nghiên cứu nhằm chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả bệnh nhân đường tiêu hóa vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa có tính lâu dài để chăm sóc, cứu chữa, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng đó, ngày càng có nhiều loại thuốc mới có hiệu quả cao trong điều trị các bệnh tiêu hóa nhập vào nước ta, thuốc mới ở trong nước cần kịp thời thông tin cho thầy thuốc và bệnh nhân biết để xử trí có hiệu quả, kinh tế.
Hội nghị năm nay có 72 báo cáo khoa học của các chuyên gia đầu ngành, giáo sư, y bác sĩ trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ và 65 báo cáo viên đến từ các bệnh viện trên toàn quốc. Các báo cáo này sẽ trình bày trong 10 chuyên đề, trong đó 4 chuyên đề về đào tạo liên tục. Việc đào tạo liên tục (CME) là một việc quan trọng và được Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam duy trì đều đặn từ năm 2020 đến nay và được nhiều bác sĩ quan tâm.
Hội nghị này có sự tham dự đông đủ các chuyên gia, y bác sĩ của 3 miền (Bắc, Trung, Nam) về các lĩnh vực: Tiêu hoá, nội soi tiêu hóa và gan mật. Hội nghị cũng có sự tham dự của BS thuộc chuyên ngành khác như: Ngoại khoa, vi sinh vật, miễn dịch, Giải phẫu bệnh và chẩn đoán hình ảnh.
Trong nhiệm kỳ (2020-2024) của Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam đã cùng cả nước trải qua một giai đoạn đầy khó khăn của cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19. Hội khoa học khoa tiêu hóa Việt Nam đã luôn luôn tích cực đồng hành cùng Bộ Y tế và tham gia phòng chống dịch tích cực. Nhiều chuyên gia, y bác sĩ đã lên đường, tình nguyện đến các điểm nóng tham gia chống dịch.
Các chuyên gia, y bác sĩ trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ về phòng, chống, điều trị bệnh tiêu hóa tại hội nghị.
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn chống dịch cùng cả nước, Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động khoa học thường niên bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, đó là vẫn tổ chức được hội nghị khoa học tiêu hóa toàn quốc để các thầy thuốc cùng trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.