Trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và sự chủ động của hệ thống y tế, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh Trần Minh.
Có thể nhận định công cuộc phòng chống AIDS là một minh chứng quý báu, sinh động của việc ứng phó của với đại dịch, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến thắng lợi đối với đại dịch AIDS. Việt Nam là nước thứ 2 trong khu vực ban hành Luật phòng chống HIV/AIDS. Ngay từ năm 1995, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống AIDS và 10 năm sau tiếp tục ban hành Chỉ thị 54 tạo nên tư tưởng nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Tiếp đến là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, của người dân bao gồm cả những người mắc bệnh là bài học vô cùng quý giá mang lại thành công của cuộc chiến chống đại dịch AIDS và tiếp tục thành công trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vừa qua; sự chủ động, tích cực, đúng đắn trong tham mưu, tổ chức thực hiện của lực lượng y tế đặc biệt là đội ngũ chuyên trách là nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của công cuộc phòng chống AIDS; mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với Hoa Kỳ và một số quốc gia khác; sự phối hợp của Bộ, ngành, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan tư pháp đã phối hợp chặt chẽ trong việc hình thành hệ thống pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động một cách nhịp nhàng, ăn khớp, tạo nền tảng, sức mạnh cho thắng lợi trong cuộc chiến này.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh Trần Minh.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù Việt Nam chưa đi đến đích, công cuộc phòng chống AIDS vẫn còn ở phía trước nhưng những gì mà Việt Nam đã ứng phó với đại dịch là niềm tự hào, là hành trang quý báu để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong giai đoạn tới, công tác phòng, chống AIDS sẽ tiếp tục được triển khai một cách mạnh mẽ hơn với các giải pháp chuyên môn kỹ thuật và xã hội trong Luật HIV/AIDS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV, là điều kiện thuận lợi quan trọng cho thắng lợi cuối cùng.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, cũng là dấu mốc 30 năm Việt Nam đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ tri ân với những sự hy sinh thầm lặng và các thế hệ lãnh đạo, các cán bộ tiền nhiệm ngành Y tế, các Bộ, ban, ngành đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Đồng thời, nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích xuất sắc mà lực lượng phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội, cộng đồng đã đạt được trong chặng đường vừa qua.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh Trần Minh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị:
Lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể trung ương và địa phương không được phép chủ quan, lơ là; cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với Ngành y tế, phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.
Đối với các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn và đề nghị Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật; giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt từ đó giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng Huân chương lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh Trần Minh.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động cho các cá nhân của Cục Phòng, chống HIV/AIDS
có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Ảnh Trần Minh.