Việt Nam trong trái tim bạn bè quốc tế

29-04-2010 14:40 | Quốc tế
google news

Nhân Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước - một mốc son lịch sử của dân tộc (30/4/1975-30/4/2010), bạn bè thế giới đã cùng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với nhân dân Việt Nam.

Nhân Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước - một mốc son lịch sử của dân tộc (30/4/1975-30/4/2010), bạn bè thế giới đã cùng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với nhân dân Việt Nam.

* TS. Georg Heindl, Đại sứ CH Áo

 

Vào năm 1975, tôi đang là học sinh phổ thông trung học. Thời đó, tình hình chiến sự Việt Nam luôn có mặt trong các bản tin ở Áo. Chiến tranh chấm dứt là tiền đề để Việt Nam phát triển như ngày nay, một quốc gia đang trên đà phát triển rất nhanh nhưng vẫn duy trì nền hòa bình và quan hệ năng động với toàn thể thế giới. Việt Nam ngày hôm nay được người Áo nhận định là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, phong cảnh đẹp và nền kinh tế năng động. Ngày càng có nhiều người dân Áo tới du lịch tại đất nước các bạn. Cộng đồng doanh nghiệp Áo coi Việt Nam như một thị trường đầy hứa hẹn.

* Ông Nyoman Gurnitha, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Indonesia

Vào thời điểm năm 1975, tôi 17 tuổi và là học sinh trung học. Thời điểm đó chúng tôi rất thích nghe đài vì khi đó ở khu làng tôi vẫn chưa có điện hay vô tuyến. Tất nhiên là tôi có nghe nói đến cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng trên mảnh đất Việt Nam để thống nhất hai miền Nam Bắc. Tôi có thể nói rằng thời gian đó, rất nhiều người dân Indonesia đã dõi theo thông tin về Việt Nam qua đài và truyền hình. Cho tới ngày nay, tinh thần anh dũng và kiên cường của các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại xâm lăng vẫn rất đáng nhớ.

Ông Nyoman Gurnitha trong chuyến thăm Gia Lai.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc mừng tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo tôi, đây là một mốc lịch sử trọng đại. Thống nhất đất nước là chìa khóa thành công để phát triển, hội nhập quốc tế và khu vực như ngày nay. Indonesia cũng giống như Việt Nam đã phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài để giành độc lập và thống nhất tổ quốc. Tổng thống Soekarno, người bạn tri kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã dẫn dắt dân tộc Indonesia để đấu tranh thống nhất quốc đảo khỏi ách đô hộ của thực dân từ những năm 1950-1970, giống như cuộc kháng chiến trường kỳ của các bạn. Hiện giờ, Indonesia đã nằm trong nhóm các quốc gia G-20. Indonesia đã thuyết phục các thành viên G-20 để Việt Nam, hiện đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN hiện diện tại các cuộc họp thượng đỉnh     G-20 kể từ năm nay.

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được bổ nhiệm vào cương vị nhà ngoại giao tại Việt Nam. Indonesia đã chứng kiến vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ còn phát huy vai trò hơn nữa trên trường quốc tế kể từ sau 35 năm thống nhất đất nước. 

* Terry Wilson, quốc tịch Anh

Khi đó tôi có nghe nói đến sự kiện này. Tôi cũng cảm thấy vui mừng vì hòa bình của đất nước các bạn được lập lại, đất nước thống nhất sau nhiều năm tháng chia cắt. Thời đó thông tin về cuộc chiến tại Việt Nam đã trở thành tâm điểm của dư luận được truyền tải hàng ngày trên phương tiện truyền thông. Hiện nay, tôi đang dạy tiếng Anh tại trung tâm Apollo tại Hà Nội. Tôi thích dạy tiếng Anh ở đây vì đất nước các bạn đang chuyển mình và thay đổi. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay cần làm nhiều hơn nữa để đất nước phát triển và tránh tụt hậu so với khu vực.         

Monika cùng chồng sắp cưới.
* Monika Mieleszko, Ba Lan

Khi sự kiện này diễn ra, em còn chưa ra đời. Em sinh ra 14 năm sau thời khắc lịch sử đó. Em có biết đến Việt Nam cùng những sự kiện lịch sử gắn liền với đất nước vì em mang trong mình một nửa dòng máu Việt. Tên Việt Nam của em là Đặng Thị Mai. Em nghĩ rằng thật đáng ngạc nhiên và khâm phục khi một dân tộc hiền lành và nhỏ bé như Việt Nam có thể chống lại được những cường quốc lớn hùng mạnh. Ngày 30/4/1975 thực sự là một biểu tượng của tự do và bài học về tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước. Cho tới nay, sự kiện này vẫn là một điều bí ẩn để giải mã tại sao một quốc gia không có tiềm lực về vũ khí như Việt Nam có thể giành chiến thắng. Việt Nam, một dân tộc anh hùng, một dân tộc đã cho thế giới thấy sức mạnh của mình.

 
 
 

Nhận định của bà Virginia E. Palmer, Phó Đại sứ Mỹ về quan hệ song phương Việt-Mỹ

Chúng ta đã đi được chặng đường dài kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Quan hệ song phương đã tiến triển, từ chỗ hai bên không có sự tin cậy lẫn nhau, nay đã trở thành quan hệ đối tác lớn dựa trên sự tôn trọng và hợp tác. Ngày nay hai nước đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại và đầu tư tới giáo dục và y tế; an ninh và quốc phòng. Năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và thương mại hai chiều đạt mức 15,4 tỷ đô-la.

Bà Virginia E. Palmer thăm học sinh tiểu học Việt Nam.

Ngoại giao y tế là một trụ cột nữa trong quan hệ song phương. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, khoảng 75% trợ giúp phát triển chính thức của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam đã được đầu tư vào các hoạt động liên quan đến y tế.

Bên cạnh lĩnh vực y tế, Hoa Kỳ cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, giáo dục, trợ giúp nhân đạo, môi trường, trong đó có vấn đề giảm nhẹ tác động của chất da cam/dioxin và biến đổi khí hậu. Chúng tôi tiếp tục làm việc với Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh như bom mìn chưa nổ và tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh thuộc cả hai phía.      

 

            BQT

Ý kiến của bạn