Việt Nam thuộc top 20 nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới

29-09-2018 14:23 |
google news

SKĐS - PGS.TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Để phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày chỉ có cách duy nhất là nội soi kiểm tra dạ dày, tuy nhiên đa số các trường hợp nhập viện đều đã ở giai đoạn nặng phải phẫu thuật và điều trị hóa chất.

Theo thống kê, số người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam lên tới 11.000 người. Đáng chú ý là 70% số người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển do không có triệu chứng rõ rệt và dễ nhầm lẫn với bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày. Đặc biệt, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 chiếm tỉ lệ khoảng 20 - 25% là một con số rất cao.

Các chuyên gia cho biết, những đối tượng thường xuyên bị áp lực, căng thẳng trong công việc hay ăn uống thất thường, thường sử dụng rượu bia... là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh dạ dày. Nhưng nhiều người bệnh không biết rằng cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị căn bệnh này nếu không bệnh rất hay tái phát, thậm chí dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày.

Thông tin tại Hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành Tiêu hóa - Gan mật diễn ra sáng 29/9 ở Hà Nội, các chuyên gia BV Bạch Mai và Đại học Nagoya (Nhật Bản) cho hay, trong khi hơn 70% người dân Nhật Bản được phát hiện sớm ung thư dạ dày nhờ phương pháp nội soi đối với những người có nguy cơ cao thì tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh này ở giai đoạn muộn, phải áp dụng phương pháp phẫu thuật hoặc hóa trị. Trong khi nếu phát hiện sớm thì chỉ cần cắt hớt niêm mạc dạ dày hoặc cắt bỏ polyp là có thể khỏi bệnh.

PGS.TS Vũ Trường Khanh cũng nhấn mạnh đến việc người dân ăn quá mặn, thức khuya (quá 23 giờ), lười vận động thể lực và khoảng 80% dân số nhiễm vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa là những nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.

Bệnh dạ dày là căn bệnh phổ biến ở người Việt Nam. Ảnh minh họa.

"Trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới thì nước ta đứng thứ 18. Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra những thông số của người Việt Nam có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, từ đó mới khuyến cáo những người đó đi nội soi.

Đối với ung thư đường tiêu hóa, cách tốt nhất là nội soi để phát hiện sớm. Chúng ta không thể nội soi cho tất cả người dân ngay được mà phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ cao. Đơn cử là những người trên 40 tuổi hoặc có bố, mẹ, anh, chị em ruột bị ung thư dạ dày (ở tuổi trước 40) thì đó là những người có nguy cơ cao”- PGS. Khanh chỉ rõ.

Ngoài ung thư dạ dày, theo các bác sĩ, những bệnh lý ung thư đường tiêu hóa khác như: đại tràng, gan, mật đang có xu hướng gia tang ở nước ta.

Các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản trả lời báo chí.

Trước thực trạng bệnh lý đường tiêu hóa nói chung và bệnh ung thư dạ dày nói riêng ngày càng gia tăng, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, BV Bạch Mai đã thành lập Trung tâm Nội soi Tiêu hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Kể từ khi Trung tâm được thành lập đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân được cải thiện rõ rệt như chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản, dạ dày và đại tràng; cho phép thăm dò toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non.

Chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu đã trở thành kỹ thuật thường quy giúp cứu sống nhiều bện nhân nhiễm trùng đường mật nặng có suy tạng, rối loạn đông máu, suy tuần hòn, suy hô hấp...

Hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành Tiêu hóa - Gan mật lần này với sự tham gia của hơn 300 các Giáo sư, bác sĩ đến từ Hà Nội và hơn 20 tỉnh thành phía Bắc, và trường Đại học Nagoya sẽ là cơ hội để các bác sĩ cập nhật kiến thức và những tiến bộ trong ngành Tiêu hóa - Gan mật trong lĩnh vực nội soi chẩn đoán và can thiệp điều trị. Các bác sĩ Nhật Bản cũng sẽ truyền hình trực tiếp các kỹ thuật nội soi tiêu hóa đến hội nghị để các bác sĩ Việt Nam có thể học hỏi.


Dương Hải
Ý kiến của bạn