Hà Nội

Việt Nam thu về triệu USD nhờ có rừng, làm gì để duy trì?

28-12-2023 13:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Với diện tích rừng tự nhiên hiện có, Việt Nam có thể thu về hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon song theo chuyên gia, quan trọng nhất là làm gì gia tăng diện tích rừng bền vững.

Vận hành tín chỉ carbon, doanh nghiệp đua giảm phát thải, người trồng rừng hưởng lợiVận hành tín chỉ carbon, doanh nghiệp đua giảm phát thải, người trồng rừng hưởng lợi

SKĐS - Doanh nghiệp phát thải nhiều phải trả tiền nhiều để mua chứng chỉ carbon. Người trồng rừng, giữ rừng sở hữu chứng chỉ carbon tương đương với diện tích và chất lượng rừng, dùng chứng chỉ này bán cho doanh nghiệp.

Những địa phương được chi trả tiền do có rừng

Lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch ngành lâm nghiệp năm 2024, chiều 27/12.

Theo ông Trị, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng).

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là 6 tỉnh tham gia thực hiện Thỏa thuận giảm phát thải thông qua bảo vệ rừng.

Việt Nam thu về triệu USD nhờ có rừng, làm gì để duy trì?- Ảnh 2.

Rừng tự nhiên của Việt Nam đem lại hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon.

Trong số sáu tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỉ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỉ đồng, Thanh Hóa 162 tỉ đồng, Hà Tĩnh 122 tỉ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỉ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỉ đồng. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về một khoản tài chính lớn, góp phần quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống cho người dân.

Trong đó đáng kể là 95% hộ dân của thôn Tra Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế là đồng bào dân tộc Cơ Tu, 10 năm nay, tham gia vào bảo vệ 560 ha rừng. Mỗi năm, trung bình mỗi hộ nhận được 2,4 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Sau khi cộng đồng thôn Tra Măng được giao rừng, họ bảo vệ rất tốt. Ngoài việc được nhận tiền từ dịch vụ môi trường rừng, lần đầu tiên cộng đồng ở đây được nhận tiền từ bán tín chỉ carbon. Tới đây, cộng đồng này sẽ được chi trả thêm 190 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon.

Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, nhiều người nghĩ đơn giản bán tín chỉ carbon nghĩa là cứ có rừng là có tiền, nhưng đây không phải là "tiền trên trời rơi xuống". Có ý kiến khác lại cho rằng nếu thế thì chỉ việc trồng rừng là có tiền, thì tại sao phải phát triển công nghiệp làm gì? Cứ trồng rừng, vừa có môi trường trong lành, vừa có tiền sẽ tốt hơn nhiều.

Chuyên gia Đào Nhật Đình phân tích, hiện cả nước có 10 triệu ha rừng tự nhiên (rừng trồng không được tính vì 3-5 năm là chặt thì sẽ không còn carbon). Mỗi ha được 170.000 đồng/năm thì cả nước có 1700 tỷ đồng/năm. Nếu chia bình quân cho đất nước 100 triệu dân thì mỗi người sẽ được 17.000 đồng/năm. Số tiền này là quá nhỏ nên lý thuyết không cần phát triển công nghiệp, cứ trồng rừng là đủ sống là sai bét. 

"Những nước có diện tích rừng rộng lớn là Nga, Canada, Brazil, Australia... dù có diện tích rừng vô cùng rộng lớn, lượng tín chỉ carbon bán được nhiều họ vẫn phải phát triển công nghiệp liên tục. Việc giữ được rừng và bán tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất lớn trong khuyến khích người dân trồng rừng và giữ rừng", chuyên gia Đào Nhật Đình nói.

Tín chỉ carbon sẽ như một loại hàng hóa. Bên mua (nơi phát thải nhiều) cần tín chỉ carbon để thực hiện các cam kết, nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính. Còn bên bán là nơi có năng lực giảm phát thải. Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Theo nghiên cứu, nếu áp dụng diện tích từng loại rừng ở từng vùng thì tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn.

Làm gì để vừa có rừng, vừa có tiền?

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung, đặc biệt, rừng ngập mặn ven biển ở nước ta đều có khả năng hấp thụ tốt carbon. Tuy nhiên, để xác định chính xác tiềm năng bán tín chỉ carbon từ rừng trong cả nước, chúng ta cần sớm tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đo đạc kỹ lưỡng để đưa ra con số cụ thể.

Chính vì vậy, nếu triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng nói chung trên toàn quốc thì mỗi năm sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Có thêm nguồn thu từ rừng, giúp tạo thêm động lực cho người dân làm cho rừng giàu lên để nhận được tiền nhiều hơn, góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, góp phần duy trì, phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương.

Theo ông Trần Quang Bảo, về khó khăn, hiện nay đang thiếu khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật quy định chi tiết về chuyển nhượng, chia sẻ lợi ích, xác định giá tín chỉ carbon... Có nhiều tiêu chuẩn carbon khác nhau trên thế giới, trong khi trong nước chưa có tiêu chuẩn. Do vậy cần rà soát, lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với Việt Nam nhất và có lợi nhất. Cần kinh phí đầu tư để xây dựng dự án, giám sát, thẩm định và cấp tín chỉ.

Theo ông Phạm Cương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, nhìn nhận thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero-Phát thải ròng bằng 0 của nước ta vào năm 2025.

Thị trường này vận hành theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm" phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường, và tuân theo nguyên tắc thuận mua - vừa bán. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ước tính 57 triệu tín chỉ carbon có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Rừng là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên có thể tái tạo được. Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý, hay xâm hại, khai thác rừng, thậm chí đến mức kiệt quệ, sẽ đến lúc rừng bị suy thoái không thể tái tạo lại. Thay vào đó càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh, càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và đây sẽ trở thành khoản tiền, nguồn lợi bền vững cho chính người dân.

Người dân Thủ đô chi tiền triệu "chơi" hoa lê rừngNgười dân Thủ đô chi tiền triệu 'chơi' hoa lê rừng

SKĐS - Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng thời điểm này hàng trăm gốc, cành hoa hoa lê đã "đổ bộ" xuống phố để phục vụ người chơi với giá từ 100.000 đến 4.000.000 đồng một cành.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 28/12: Bắc Bộ ấm dần lên, Tết Dương lịch đỡ rét, Trung Bộ có mưa / SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn