Trong đó tăng cao nhất là khách đến bằng đường bộ với 24,9%, đạt 1.683,5 nghìn lượt người, tiếp đến là đường hàng không tăng 4,5%, đạt 6.658,3 nghìn lượt người.
Tuy nhiên, lượng khách đang có xu hướng giảm dần, tháng 6 có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm.
So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6 chỉ tăng 0,2%, chủ yếu do khách đến từ châu Á chiếm phần lớn lượng khách đến nước ta giảm 0,4%; từ châu Úc giảm 6%; trong khi khách đến từ châu Âu tăng 2,3%; từ châu Mỹ tăng 7,4% và từ châu Phi tăng 6,9%, đồng thời tốc độ tăng lượng khách trong 6 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng giai đoạn 2016 - 2018.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng 6,69%, tuy thấp hơn mức tăng 6,89% của 6 tháng đầu năm 2017 và năm 2018 nhưng cao hơn các năm 2012-2016. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,9%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,48%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,89%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Việt Nam là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh minh họa.
Hoạt động thương mại dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục có xu hướng tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, đa dạng hóa các hình thức khuyến mại làm sôi động thị trường trong những tháng đầu năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tăng 11,5%, đạt 2.391,1 nghìn tỷ đồng, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,6%) thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng, trong đó quý II/2019 ước tính đạt 1.206,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.823,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 9,8%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 13,3%; doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 258,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 6,3%.
Hoạt động vận tải nhìn chung ổn định, 4 trong 5 ngành đường có mức tăng trưởng khá, đặc biệt với việc ra đời hãng hàng không mới, ngành hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, vận tải hành khách đạt 2.495,7 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và 113,6 tỷ lượt khách.km, tăng 9,5% (quý II năm nay đạt 1.258,6 triệu lượt khách, tăng 10,5% và 57,8 tỷ lượt khách.km, tăng 8,8%), trong đó vận tải hành khách đường bộ và đường hàng không có mức tăng cao nhất. Vận tải hành khách bằng đường bộ 6 tháng đạt 2.359,3 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và 79 tỷ lượt khách.km, tăng 10,3%; đường hàng không đạt 26,7 triệu lượt khách, tăng 8,3% và 30,6 tỷ lượt khách.km, tăng 8,8%. Vận tải hàng hóa đạt 823,1 triệu tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và 156,7 tỷ tấn.km, tăng 7,1% (quý II ước tính đạt 410,8 triệu tấn, tăng 8,5% và 78,5 tỷ tấn.km, tăng 7,7%).
Doanh thu viễn thông 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 184,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,13% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,79%. Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt gần 138 triệu thuê bao, tăng 11,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao di động đạt 133,9 triệu thuê bao, tăng 11,8%; thuê bao internet băng rộng cố định đạt gần 13,7 triệu thuê bao, tăng 11,3%.