Hà Nội

Việt Nam thích ứng với già hóa dân số, dân số già như thế nào?

24-08-2024 15:20 | Y tế
google news

SKĐS - Thích ứng với già hóa dân số, dân số già là một trong 6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số.

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, công tác dân số đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tốc độ già hóa dân số nước ta nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già: Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các Quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Nguyên nhân già hóa của Việt Nam cũng tương tự nguyên nhân của thế giới. Đó là tuổi thọ tăng và mức sinh giảm. Chỉ có điều khác là tuổi thọ ở Việt Nam tăng nhanh, từ 44,4 tuổi năm 1960 lên 73,4 tuổi năm 2016. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của thế giới.

Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh kế hoạch hoá gia đình nên mức sinh cũng giảm mạnh, từ chỗ trung bình mỗi bà mẹ có khoảng 7 con những năm 1964-1969, giảm xuống chỉ còn 2 con vào năm 2003 và mức sinh thấp này vẫn duy trì liên tục cho đến nay. Tuổi thọ tăng và mức sinh giảm vẫn sẽ là các nhân tố thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình già hoá dân số nước ta trong tương lai.

Ngoài ra, theo số liệu điều tra dân số 2016, ở Việt Nam, đến tuổi hưu, trung bình sống thêm 18,3 năm; đối với nữ là 24,7 năm. Trong số người cao tuổi, nhiều người khỏe mạnh, có khả năng và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và nhu cầu lao động, vẫn có thể tiếp tục làm việc bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, có cuộc sống ý nghĩa hơn và tích cực hơn.

Do vậy, tỉ lệ người cao tuổi hoạt động kinh tế không tăng lên. Tuy nhiên, 57% số người cao tuổi hoạt động kinh tế là làm nông nghiệp, tức là khu vực có năng suất thấp. Người cao tuổi ở thành thị, thường có sức khỏe tốt hơn, kiến thức tay nghề cao hơn nhưng tỉ lệ hoạt động kinh tế chỉ có 20%.

Trong khi đó, tỉ lệ này ở nông thôn lên tới 42,5%. Đây là dấu hiệu cho thấy chưa tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Hiện vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi có nhu cầu còn hạn chế. Cả nước có trên 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết đang làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp, với gần 80% lao động cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình.

Mức lương bình quân của người cao tuổi gần 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 34,0% mức lương bình quân trên thị trường.

Đề xuất nhiều chính sách thích ứng với già hóa dân số, dân số già

Bộ Y tế hiện đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

Để thích ứng với già hóa dân số, dân số già, dự án Luật Dân số xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hoá dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh.

Việt Nam thích ứng với già hóa dân số, dân số già như thế nào?- Ảnh 2.

Thích ứng với già hóa dân số, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát triển cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đảm bảo thực hiện già hóa tại chỗ với chi phí thấp, diện bao phủ cao phù hợp với người cao tuổi Việt Nam. Ảnh minh họa.

Cụ thể:

- Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về thích ứng với già hóa dân số, dân số già.

- Nhà nước có chính sách phát triển các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cùng với tăng tưởng kinh tế; tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; phát triển ngành lão khoa, viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc ban ngày kết hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng.

Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.

- Xây dựng, ban hành quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi; xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi. 

Ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách khuyến khích sản xuất một số loại sản phẩm, cung ứng dịch vụ xã hội cho người cao tuổi; chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ người cao tuổi tìm kiếm việc làm và sử dụng người lao động cao tuổi; tổ chức, doanh nghiệp thành lập cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi.

- Lồng ghép các nội dung biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già vào kế hoạch của quốc gia, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương; lồng ghép nội dung thích ứng với già hóa dân số, dân số già khi xây dựng và thực hiện chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội. 

Tổ chức nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu khoa học để thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Thực hiện các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn người cao tuổi.

- Quy định trách nhiệm của Nhà nước; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về dân số, cơ quan, tổ chức có liên quan; trách nhiệm của người lao động...

6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số bao gồm:

Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế.

Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Chính sách 3: Thích ứng với già hóa dân số, dân số già.

Chính sách 4: Phân bố dân số hợp lý.

Chính sách 5: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân sốGóp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số

SKĐS - Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.


M.Đức
Ý kiến của bạn