Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 11/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ra Tuyên bố chung quan ngại về tình hình Biển Đông.
Tuyên bố chung đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp. G7 cũng phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dũng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây trên Biển Đông.
Đặc biệt, Tuyên bố chung của G7 nhấn mạnh, cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Ông Lê Hải Bình cho rằng, tình hình hiện nay ở Biển Đông gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế và không có lợi cho việc duy trì hoà bình ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông. Đồng thời ông Bình khẳng định: “Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực và có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hoà bình, ổn định ở Biển Đông”.
Về vụ việc xảy ra sáng 6/6, tàu Tân Hải (Binhai) 517 của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển cách đảo Phú Quý 20 hải lý về phía tây nam và cách bờ biển Bình Thuận khoảng 40 hải lý, tàu Tân Hải 517 di chuyển hướng về phía vịnh Thái Lan. Theo thông tin từ Tổng công ty dầu khí Trung Quốc, đây là tàu chuyên khảo sát địa chất dưới biển, phục vụ công tác thăm dò dầu khí của Tổng công ty dầu khí Trung Quốc. Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã theo dõi sát hoạt động của tàu Tân Hải 517 và sau khi các lực lượng chức năng của Việt Nam tiến hành mọi biện pháp cần thiết và tàu Tân Hải 517 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Hải Yến