Tại Trung tâm Văn hóa Pháp và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) vừa diễn ra triển lãm Tính đa dạng của Việt Nam. Triển lãm giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật về Việt Nam cách đây một thế kỷ nằm trong bộ sưu tập ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Tính đa dạng của Việt Nam kéo dài đến hết 31/12, được phối hợp tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và văn phòng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội. Các tác phẩm nhiếp ảnh triển lãm ở Việt Nam, trước đó đã được trưng bày tại Bảo tàng Cernuschi, Paris từ ngày 14/3 - 9/6/2014 mang tên Objective Vietnam do Hiệp hội các bảo tàng Paris, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Paris tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.

Hình ảnh đúc tượng Phật lớn tại chùa Thần Quang (làng Ngũ Xã, Hà Nội) chụp năm 1952.
Đến với triển lãm, không khó để nhận thấy những bức ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã cung cấp cho người xem nhận ra nhiều bằng chứng và sự phong phú, đa dạng của Việt Nam qua sự quan sát từ những người nước ngoài là các nhà khoa học, khảo cổ học, các nhiếp ảnh nghiệp dư… trong nửa đầu thế kỷ XX. Các bức ảnh được lựa chọn đưa vào triển lãm rất phong phú và đa dạng về đề tài với những tác phẩm là đình, chùa cổ của Việt Nam ở trong trạng thái nguyên trạng hoặc đang tu bổ, tôn tạo như đền thờ vua An Dương Vương (chụp năm 1924), đền thờ các vị vua Lý tại Đình Bảng - Bắc Ninh (chụp năm 1933); đình làng Chu Quyến - Sơn Tây (chụp năm 1938), Văn Miếu Quốc Tử Giám, công trình tháp Chuông (chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp) tại tỉnh Bắc Ninh (chụp năm 1936), đúc tượng Phật lớn tại chùa Thần Quang, Hà Nội (chụp năm 1952)…
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu tới công chúng những bức ảnh thể hiện cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Qua những bức ảnh, mặc dù chỉ là hai màu đen - trắng, thậm chí có bức không thấy ghi chú thời gian và tác giả thực hiện, song vẫn được xem như là những tư liệu quý giá về Việt Nam của thế kỷ trước. Không ít các bức ảnh đã tái hiện về một nền văn hóa dân gian ở nước ta với các nghi lễ nông nghiệp, những lễ hội đảm bảo sự gắn kết giữa các thế hệ, là những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường như: Tết Trung thu, cảnh sinh hoạt ở phố Hà Nội (chợ Đồng Xuân)... Nguyên bản những bức ảnh tại triển lãm do chính các học giả, nhiếp ảnh gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện bằng phương pháp cổ điển, chụp trên phim kính tráng bromua bạc, phim âm bản trên các máy khổ lớn và máy ảnh khổ trung. Các bức ảnh trưng bày tại triển lãm lần này đã được xử lý số hóa và phục hồi hình ảnh.
GS. Leon Vandermeersch - nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ chia sẻ: “Đây là nguồn tư liệu quý với những hình ảnh trong suốt nửa thế kỷ của Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Tôi cho rằng đó là những tư liệu vô cùng quý về Việt Nam”.
Hoàng Trang