Việt Nam tham gia "An ninh Y tế toàn cầu", đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh!

23-08-2017 15:11 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngày 23/8, tại Viện Pasteur TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ Thomas Price đã cắt băng khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng không chỉ đe dọa riêng đối với Việt Nam mà còn thách thức toàn cầu.

“Dịch bệnh có thể lây truyền xuyên quốc gia, xuyên lục địa, bùng phát nhanh chóng trong vòng vài giờ, vài ngày trên khắp các châu lục như một số bệnh dịch trong thời gian gần đây, như SARS, cúm (H1N1, H5N1, H7N9), MERs-Cov, Ebola, Zika… Những vấn đề sức khỏe này đã ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và gây tổn thất nền kinh tế cho khu vực cũng như toàn cầu.

Để phản ứng chủ động đối với các sự kiện y tế công cộng, đặc biệt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi, Bộ Y tế Việt Nam đã cam kết tham gia Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (Global Health Security Program - GHS) do chính phủ Hoa Kỳ, các Tổ chức quốc tế và các quốc gia xây dựng và cam kết triển khai.

Trong GHS, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc áp dụng mô hình EOC vào công tác phòng chống dịch bệnh cũng như đáp ứng các vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng trong nước,” PGS. TS. Kim Tiến nhấn mạnh.

Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng quốc gia đặt tại Bộ Y tế đã được thiết lập và vận hành từ tháng 5/2013, đã chủ động triển khai xây dựng và áp dụng các quy trình vận hành đáp ứng khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh như đã sẵn sàng đáp ứng với Ebola, MER-CoV, cúm H7N9 vốn bùng phát ở nhiều quốc gia và có nguy cơ lớn xâm nhập vào Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động kích hoạt EOC nhằm đáp ứng với Zika năm 2016 và sốt xuất huyết Dengue năm nay. Công tác diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp tình huống khẩn cấp về y tế công cộng xảy ra cũng được triển khai thường xuyên.

Hoạt động của EOC đã phát huy được vai trò của Trung tâm trong việc gắn kết và điều phối thông tin và nguồn lực giữa các đơn vị trong Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Tổ chức quốc tế đặc biệt là US CDC (Cục Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) , FAO (Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc) và các đơn vị liên quan khác trong công tác đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh.

EOC khu vực phía Nam là một phần thuộc hệ thống EOC của Bộ Y tế. Trung tâm này thực hiện việc điều phối, sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực như các học viên đã/đang tham gia chương trình dịch tễ học thực địa (FETP), phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khác nhằm huy động các cán bộ tham gia vào các hoạt động đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng xảy ra ở khu vực phía Nam; đồng thời thường xuyên kết nối với EOC Trung ương và các khu vực khác để thống nhất các hoạt động đáp ứng khẩn cấp liên khu vực trong hoạt động đáp ứng tổng thể của quốc gia.

Với việc thiết lập EOC khu vực phía Bắc đặt tại Viện Vệ sinh Dịch tể Trung ương vào năm 2016 và hiện tại là EOC khu vực phía Nam đặt tại Viện Pasteur TP. HCM là dấu mốc quan trọng trong lộ trình thiết lập và vận hành hệ thống các EOC tại Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện sự tích cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, thực hiện GHS nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân trước các mối đe đọa từ các sự kiện y tế công cộng, bao gồm các dịch bệnh nguy hiểm.

Qua EOC, các chuyên gia y tế sẽ chủ động giám sát, thu thập sớm thông tin về các mối nguy cơ y tế công cộng từ nhiều nguồn, phân tích và chia sẻ các thông tin giúp cho việc lập kế hoạch đáp ứng phù hợp, kịp thời, hiệu quả và đảm bảo tốt các vấn đề điều phối khi có các tình huống khẩn cấp y tế công cộng trên địa bàn, khắp cả nước và trên toàn thế giới.

PGS. TS. Kim Tiến hy vọng rằng với sự giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế đặc biệt là CDC,  các EOC khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên và tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm của Việt Nam sẽ được thiết lập và đưa vào vận hành, tạo nên một mạng lưới EOC hoàn chỉnh giúp Việt Nam có thể chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các sự kiện y tế công cộng.


An Quý
Ý kiến của bạn