Tại sao lại ví Việt Nam với hoa sen? Nhà xuất bản giải thích: “Thời Bắc thuộc, Pháp thuộc, đất nước bị chia cắt, chiến tranh giải phóng dân tộc: Việt Nam như bông sen có khả năng nở giữa bùn lầy, văn học Việt Nam hiện đại và đương đại sinh ra trên mảnh đất luôn bị bạo lực tác động. Trong quá trình tiến triển ấy, văn học tiếng Pháp mặc dù là tiếng của kẻ xâm lược, đã đóng một vai trò quan trọng”.
Bạo lực ở đây là bạo lực thực dân và chiến tranh Cách mạng. Như vậy là tác phẩm định lấy hình ảnh hoa sen để biểu trưng cho “văn học tiếng Pháp về Việt Nam” mà thôi. Nhưng cái tên Việt Nam, số phận hoa sen lại ví toàn bộ lịch sử và văn hóa Việt Nam với hoa sen.
Quả thực, hoa sen có âm hưởng sâu sắc trong tâm hồn người Việt.
Chả thế mà đã có cuộc thảo luận xem có nên lấy hoa sen làm quốc hoa hay không? Trên phạm vi thế giới, hoa sen thường biểu tượng cho hai ý nghĩa: 1- Ý nghĩa sinh dục trong các tín ngưỡng phồn thực.Thí dụ ở Ai Cập cổ, hoa sen biểu tượng cho âm hộ mẫu gốc, từ đó xuất phát sự sống và vũ trụ. 2- Ý nghĩa thanh cao: Phật giáo lấy hoa sen làm biểu tượng vì hai lý do: Đức Thích Ca ngự trên tòa sen mà không nhiễm bùn lầy u minh của samsara (luân hồi). Sen còn tượng trưng cho tam thế, cây sen có quá khứ (ngó sen), hiện tại (hoa sen) và tương lai (hạt sen).
Hoa sen được ví với lịch sử, văn hóa Việt Nam. |
Đạo Phật cùng hình ảnh hoa sen thanh cao có thể được nhập vào ta đầu Công nguyên. Phải chăng đó là xuất xứ câu ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Cuốn Việt Nam, số phận hoa sen đã mang lại một suy diễn khác về biểu tượng hoa sen đối với Việt Nam: mặc dù đất nước luôn bị chiến tranh, văn học vẫn không ngừng nở hoa.
Trước khi tác phẩm này ra đời (2010), đã có một số Tuyển tập các nhà văn Pháp và Việt sáng tác về Việt Nam bằng tiếng Pháp, xuất bản vào các thời điểm khác nhau với những mục đích khác nhau.
Năm 1944, Nha học chính Đông Dương của Pháp cho xuất bản cuốn Đông Dương qua các trước tác do Marguerite Triaire chủ biên. Pháp thua Đức, Nhật chiếm đóng Đông Dương vẫn giữ chính quyền thực dân Pháp làm tay sai. Toàn quyền Decoux muốn tạo Đông Pháp (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) thành một thứ “quốc gia”. Cuốn sách của Triaire phục vụ cho ý đồ này: Trình bày lịch sử, địa dư, văn hóa của ba nước và đề cao thành tích thực dân “khai hóa”.
Năm 1989, dưới sự bảo trợ của Hội hữu nghị Pháp Việt do nhà sử học Alain Ruscio chủ biên, cuốn Việt Nam, lịch sử, đất đai và con người (NXB L’Harmattan – Paris) ra đời. Đây là một công trình khoa học nghiêm túc, khách quan mà thắm tình hữu nghị. Cuốn Bách khoa thư về Việt Nam này lần đầu tổng hợp tất cả những tri thức cơ bản về Việt Nam - những tư liệu cần thiết cho những chuyên viên Pháp ở Việt Nam, cho người du lịch, doanh nhân, nhà khoa học, giáo viên và sinh viên. Khoảng sáu chục nhà nghiên cứu thuộc tất cả các ngành đã đóng góp cho công trình này.
Khoảng năm 1997-1998, với sự bảo trợ của tổ chức Pháp ngữ (liên chính phủ) hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT), NXB Nathan ở Paris đã cho ra đờiTuyển tập các nền văn học Pháp ngữ châu Á và Thái Bình Dương (Campuchia, Lào, Việt, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tân Đảo…). Về phía Việt Nam có sự tham gia của Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Minh Tâm. Phần Việt Nam chỉ có khoảng chục tác giả với những bài ngắn vì đây là sách giáo khoa cho các giáo viên và học sinh trung học. Dù sao cũng là đóng góp tiếng đàn Việt Nam cho bản giao hưởng của cộng đồng Pháp ngữ thế giới.
Năm 2010, Việt Nam, số phận hoa sen “trình làng” Pháp ngữ.
Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, tuyển tập các nhà văn Việt viết tiếng Pháp muốn chứng minh là văn chương Việt viết bằng tiếng Pháp, một bộ phận của văn chương hiện đại, vẫn nảy nở như hoa sen mặc dù ở trong bùn lầy của chiến tranh và bạo lực. Khối Pháp ngữ (Francophonie) là một tổ chức quốc tế nhằm phát triển tiếng Pháp và bảo vệ đa dạng văn hóa, chống lại khuynh hướng hòa đồng. Nhưng nhóm Riveneuve continents đứng về phương diện sáng tác văn chương bằng tiếng Pháp, chủ trương vượt qua khối Pháp ngữ để thể chế hóa, thay khái niệm văn học Pháp ngữ bằng khái niệm văn học thế giới bằng tiếng Pháp. Như vậy sẽ không chỉ có một vài trung tâm Pháp ngữ mà nó có mặt khắp cả thế giới. Tuyển tập Việt Nam, số phận hoa sen nằm trong quan niệm này, vì đầu thời Pháp thuộc, một cuộc cách mạng văn học đã xảy ra ở Việt Nam do ảnh hưởng của văn học Pháp, đẩy lùi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc (sự xuất hiện của văn học hiện đại Việt Nam).
Trong cuốn sách trên, có 24 tác giả thuộc nhiều khuynh hướng chính trị của người Pháp và người Việt (ở Pháp và trong nước), có các sáng tác nửa đầu thế kỷ 20, dịch thuật, sáng tác của các tác giả Việt hiện đang ở Pháp…
Hữu Ngọc