Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV

30-11-2022 06:11 | Xã hội

SKĐS - Cùng hành động, Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV trong khu vực và có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục chia sẻ với bạn bè quốc tế, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng, chống HIV/AIDS…

Đó là chia sẻ của ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương mới đây tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 mới đây tại Bắc Ninh.

Ông Taoufik Bakkali cho biết, trong tháng hành động quốc gia phòng chống AIDS của Việt Nam và trước thềm Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, UNAIDS công bố Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 2022, nêu rõ những bất bình đẳng đang kìm hãm nỗ lực chung hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo phân tích các thách thức đa chiều mà những nhóm dân số chính chịu ảnh hưởng bởi HIV đang phải đối mặt – trong bối cảnh dịch HIV tập trung như Việt Nam. Những nhóm này bao gồm người sử dụng và tiêm chích ma túy, người đồng tính nam, phụ nữ chuyển giới, người bán dâm và vợ/chồng, bạn tình của những người này. Ông Taoufik Bakkali nhấn mạnh, tất cả các quốc gia và mọi người dân cùng đoàn kết, chung tay để có thể vượt qua sự bất bình dẳng này...

Tăng tính chủ động, bền vững đáp ứng với HIV/AIDS

Năm 2022 đánh dấu 10 năm Việt Nam nỗ lực và đã đạt được những bước tiến đáng kể hướng tới mục tiêu bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững cho công tác phòng chống HIV.

photo-1669709653493

Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Taoufik Bakkali cho biết, Việt Nam đã và đang chuyển đổi thành công điều trị HIV sang nguồn tài chính từ bảo hiểm y tế. Bước chuyển đổi này không chỉ duy trì bền vững các dịch vụ giúp cứu người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người sống với HIV, đóng góp cho sức khỏe cộng đồng của người dân Việt Nam, mà còn cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm mà các quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi.

Việt Nam cũng đang thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, hướng tới duy trì bền vững các dịch vụ dự phòng HIV do cộng đồng cung cấp thông qua sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Đề án thí điểm và cách tiếp cận mới này cũng sẽ giúp tăng cường tính chủ động, tính bền vững và hiệu suất cao hơn của cộng đồng trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng như xác lập một mô hình tốt cho việc sử dụng nguồn tài chính trong nước đảm bảo cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV với các tổ chức xã hội là mô hình được giới thiệu như là một thực hành tốt trong Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay để tạo cảm hứng và khuyến khích các quốc gia trong khu vực áp dụng.

Cùng hành động, Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV trong khu vực và có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục chia sẻ với bạn bè quốc tế về không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng chống HIV/AIDS. Đó sẽ không chỉ là kinh nghiệm trong việc khống chế dịch HIV mà còn rất có giá trị học hỏi đối với những nỗ lực lớn hơn về thực hiện Chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2022

Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong năm 2022, ngành y tế đã đạt nhiều thành tựu trong công tác này, trong đó đáng chú ý tới 10 kết quả nổi bật:

Thứ nhất, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện.

Thứ hai, tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm MSM (trong 10 tháng đầu năm đã tiếp cận được hơn 100.000 MSM)

Thứ ba, công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV; 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước.

photo-1669709655626

Hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị methadone.

Thứ tư, duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone. Tính đến 30/9/2022, chương trình methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy.

Thứ năm, triển khai các biện pháp dự phòng thế hệ mới như: Điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực.

Tính đến 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.

Thứ sáu, về công tác điều trị HIV/AIDS: Hiện có 499 cơ sở điều trị, trong đó 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT. Tổng số: 167.022 bệnh nhân, trong đó 3.453 trẻ em, 163.568 người lớn. Mở rộng điều trị ARV qua bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virrus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vidưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này.

Thứ bảy, tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam với kết quả: Xét nghiệm cho khoảng 22.250 lượt trại viên tại trại giam và 7.201 lượt tại trại tạm giam được làm xét nghiệm HIV (trong đó có 1,5% dương tính); điều trị cho khoảng 3.525 bệnh nhân ARV và với 1.200 bnh nhân ARV được điều trị viêm gan C.

Thứ tám, mở rộng triển khai Điều trị viêm gan C cho bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị methadone. Đến 30/9/2022 số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị methadone mắc viêm gan C (VGC) được điều trị tại 38 tỉnh/thành phố là 16.052 bệnh nhân (trong đó có 4324 bệnh nhân methadone). Tỷ lệ khỏi bệnh trong số bệnh nhân được làm SVR12 đạt 97,4%

Thứ chín, về công tác tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Chuyển đổi điều trị ARV từng nguồn viện trợ sang nguồn BHYT. Huy động y tế tư nhân cung cấp các dịch vụ phòng, chống AIDS. Hiện có 20 phòng khám tư nhân; 50% người sử dụng PrEP nhận dịch vụ ở kênh tư nhân.

Thứ mười, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PrEP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Những bệnh dịch chết người từng ‘biến mất không dấu vết’ | SKĐS


Hà Phương
Ý kiến của bạn