Lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 63 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực y tế.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y tế
Việc Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức diễn đàn y tế quốc tế lớn nhất trong khu vực thể hiện sự tin tưởng, đánh giá cao của WHO đối với quốc gia chủ nhà. Nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế của Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn như giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống HIV/AIDS. Năm 2000, WHO Tây Thái Bình Dương công nhận Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh và bệnh sởi. Năm 2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch bệnh SARS. Bạn bè quốc tế đã công nhận sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong ngành y tế với việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật cao như ghép tạng, mổ nội soi, phòng chống dịch bệnh mới nổi như H1N1, cúm gia cầm…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Kỳ họp WHO lần thứ 63. Ảnh: MT
Bà Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cho biết: “Hội nghị WHO lần thứ 63 này là cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo cơ hội để Việt Nam trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong việc giải quyết các vấn đề y tế”.
Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp chủ động, tích cực
Ngoài các nội dung về định hướng hoạt động, ngân sách, kế hoạch hành động trong các năm tới, hội nghị còn bàn thảo nhiều vấn đề chuyên môn khác nhau như phòng ngừa bạo lực, dinh dưỡng, tai nạn thương tích, phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên… Đoàn đại biểu Việt Nam với 25 thành viên tham dự hội nghị sẽ chia sẻ thông tin, đóng góp và đưa ra những đề xuất của Việt Nam góp phần vào sự thành công của hội nghị.
TS. Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tham gia đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị cho biết: “Việt Nam đang tiếp tục thực hiện và hướng tới Mục tiêu Thiên niên kỷ về lĩnh vực y tế, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và mẹ với các mô hình triển khai như: mô hình “Chăm sóc bà mẹ trẻ sơ sinh liên tục từ cộng đồng, gia đình đến cơ sở y tế”; mô hình “Thẩm định tử vong mẹ”; cô đỡ thôn bản ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo kỹ năng đỡ đẻ”. So với các quốc gia trong khu vực và các nước Đông Nam Á, theo tài liệu của WHO, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam tốt hơn so với Indonesia, Philippines, Myanmar, Campuchia, Lào.
Với tư cách là nước chủ nhà đăng cai hội nghị, Việt Nam sẽ tổ chức hoạt động chuyên môn bên lề nhằm phát động và truyền tải thông điệp hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân với chủ đề “Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và cơ hội hợp tác trong khu vực để sớm đạt được thành công”. TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, đại biểu trong đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị WHO lần này cho biết: “Đây là một sự kiện bên lề, nhưng nó mang thông điệp lớn của Việt Nam. Tại đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cam kết của mình hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân và kêu gọi sự hỗ trợ hợp tác của các quốc gia để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu này. Dự kiến tại cuộc họp bên lề này, Việt Nam sẽ đưa ra một đề xuất, sáng kiến về việc đề nghị WHO sẽ trở thành đầu mối liên kết hợp tác giữa các nước trong khu vực để thực hiện mục tiêu này”. Hiện Việt Nam mới bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 64% dân số, mục tiêu năm 2015 con số này sẽ tăng lên 75% và năm 2020 là 90%. So với năm 2008, chỉ có 48% dân số có bảo hiểm y tế thì nay con số này đã lên 64%, là một bước tiến đáng kể. Để đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, Việt Nam đang nỗ lực để biến mục tiêu đó thành hiện thực thông qua sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế và tổ chức y tế lớn nhất thế giới này.
Hải Yến