Hà Nội

Việt Nam sẽ đề nghị công nhận Vovinam là Di sản văn hóa thế giới

16-04-2023 09:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đến thời điểm hiện nay, Vovinam Việt Võ Đạo đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hàng triệu người tham gia luyện tập và tiếp tục phát triển.

Việt Nam sẽ đề nghị công nhận Vovinam là Di sản văn hóa thế giới - Ảnh 1.

Màn biểu diễn của môn sinh Vovinam tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Vovinam Việt võ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 15/4, tại tỉnh Bình Dương, đã diễn ra lễ kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái Vovinam Việt Võ Đạo (1938-2023).

Lễ kỷ niệm ôn lại truyền thống tự hào của Vovinam trong hành trình xây dựng và phát triển võ Việt; đồng thời đưa ra các định hướng đưa môn võ của dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới.

Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương cùng đông đảo các tổ chức thành viên, đại diện võ sinh Vovinam trong và ngoài nước.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng lãnh đạo, các võ sư, võ sinh Vovninam trong nước và trên toàn thế giới về những nỗ lực và thành công trong luyện tập, quảng bá môn võ dân tộc Việt Nam lan tỏa trên toàn cầu.

Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng lập một môn võ Việt từ võ vật dân tộc dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển với tên gọi Vovinam. Đến thời kỳ Chưởng môn Lê Sáng, ông cùng các võ sư tìm tòi nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo, xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt này phát triển.

Kế thừa những thành quả đó, cố võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam Việt Võ Đạo lan toả đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Đến thời điểm này, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hàng triệu người tham gia luyện tập và tiếp tục phát triển.

Vovinam Việt Võ Đạo là sản phẩm văn hóa đặc biệt của người Việt và càng phát triển sâu rộng ở cả trong nước và thế giới thì càng có góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái Vovinam, Liên đoàn Vovinam Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức Giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc lần thứ 14 năm 2023, diễn ra từ ngày 10/4 đến 15/4. Đây là hoạt động chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 32 sắp tới.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) và thế giới (WVVF) cho biết, Vovinam đã trở lại là môn thi đấu tại SEA Games 31 tại Việt Nam, SEA Games 32 tại Campuchia và sắp tới có thể tiếp tục là môn thi đấu tại SEA Games 33. Và theo thông lệ, sau 3 năm có mặt liên tiếp ở 3 kỳ SEA Games thì sẽ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức.

Việt Nam sẽ đề nghị công nhận Vovinam là Di sản văn hóa thế giới - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng hoa cho các lãnh đạo môn phái Vovinam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hiện Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới đang dự kiến tổ chức Giải Vovinam thế giới 2023 và Đại hội Liên đoàn Vovinam thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh để điều chỉnh lại toàn bộ tài liệu các hoạt động, điều lệ, các văn bản hoạt động của các ủy ban theo chuẩn Olympic.

Về dài hạn, Liên đoàn Vovinam Việt Nam có chiến lược giữ gìn, bảo vệ và phát triển Vovinam ở cả trong nước và thế giới. Cụ thể, Liên đoàn sẽ phát triển Vovinam ở khắp 63 tỉnh, thành phố thay vì 44 tỉnh, thành phố hiện nay.

Liên đoàn cũng đã và đang làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để mở học viện Vovinam toàn cầu tại đây, ngôi nhà chung cho toàn bộ các võ sư và võ sinh Vovinam toàn cầu.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển sâu rộng môn võ của dân tộc để tiếp tục gieo mầm và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Dự kiến tháng 6 năm nay, Liên đoàn Vovinam Việt Nam sẽ hoàn tất hồ sơ đăng ký công nhận Vovinam là Di sản văn hoá phi vật thể.

Dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển, các môn sinh Vovinam được tập luyện từ những đòn thế cơ bản đến các bài quyền, sử dụng binh khí như kiếm, trường côn, đại đao,…

Ngoài ra, môn sinh còn được tập luyện với các bài tập tay không chống vũ khí, các phản đòn trình độ, các lối khóa gỡ tự vệ từ căn bản đến nâng cao và đặc biệt là hệ thống 21 đòn chân tấn công đặc trưng.

Việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu khi Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi,… Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng.


Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn