Việt Nam sẽ đấu tranh bằng mọi biện pháp

09-05-2014 02:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khi giàn khoan HD981 của Trung Quốc định vị tại một vị trí trên biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến hành các bước khoan thăm dò là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Khi giàn khoan HD981 của Trung Quốc định vị tại một vị trí trên biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến hành các bước khoan thăm dò là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việc giàn khoan HD981 chỉ nằm cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và cách đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý, nằm trong lô 143 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đây là bước đi vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc, tiến một bước lớn trong tham vọng xâm chiếm biển Đông.

Cuộc học báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Cuộc học báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải cho biết: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 cùng các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam quy định bởi Công ước LHQ về Luật Biển được quy định năm 1982”.

Trong khi các tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển của Việt Nam tiến hành tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi hành vi vi phạm chủ quyền thì Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ nhằm đạt mục đích hạ giàn khoan để khoan thăm dò. Hành động ngang ngược của Trung Quốc còn tỏ ra manh động hơn khi các tàu bảo vệ của nước này dưới sự yểm trợ của máy bay uy hiếp các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Các tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động húc đẩy, đâm va với tốc độ cao, góc tiếp cận lớn, rú còi, chiếu đèn pha, phun nước áp lực cao làm hư hại các tàu kiểm ngư Việt Nam, làm 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương.

Việt Nam đã có các biện pháp đấu tranh ngoại giao kiên quyết trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc như đã có 8 cuộc làm việc với Trung Quốc, trong đó có 3 cuộc gặp ở Hà Nội, 3 cuộc tại Bắc Kinh và 2 cuộc điện đàm giữa trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ ở 2 nước và giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, phía Trung Quốc cho rằng khu vực giàn khoan 981 đã hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc nhưng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, nhấn mạnh các hoạt động của giàn khoan 981 là vi phạm, xâm phạm vùng biển Việt Nam và Việt Nam kiên quyết phản đối.

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Một vấn đề dấy lên sự quan tâm của dư luận hiện nay là tại sao một giàn khoan lớn đến như vậy lại có thể di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam bình luận: “Theo Công ước quốc tế về Luật Biển thì các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào những giàn khoan hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò thì lúc đó mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền”. Như vậy, giàn khoan HD981 là một dàn khoan di động, giống như một chiếc tàu nổi, tuy nhiên, khi giàn khoan này định vị tại một vị trí trên biển, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến hành các bước khoan thăm dò là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Vào 16h chiều 7/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế. Tại đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã cho công bố các video clip về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam và những cuộc tấn công phá hoại vào tàu của lực lượng chức năng Việt Nam khi đang thực thi nhiệm vụ tại vùng biển của Việt Nam.

Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (HD981) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (HD981) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, trả lời phóng viên quốc tế về việc liệu đã có thương vong trong các vụ va chạm trên hay không, đại diện Việt Nam khẳng định, chưa có bất kỳ người nào chết trong các vụ va chạm, chỉ có 6 kiểm ngư Việt Nam bị thương. Việt Nam chưa sử dụng bất cứ lực lượng quân sự nào để giải quyết vấn đề này.

Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên chúng ta mong muốn hòa bình và chúng ta kiên trì dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết các vụ việc. Khi được phóng viên hãng thông tấn AP hỏi liệu Việt Nam có sử dụng biện pháp tương tự như Trung Quốc đang hành xử với tàu của Việt Nam trên biển hay không, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu khẳng định: “Mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên NHK (Nhật Bản) và hãng thông tấn Đức, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, dàn khoan HD981 đã định vị ở vị trí nói trên và hiện đang tiến hành tác nghiệp để chuẩn bị khoan thăm dò. Việt Nam sẽ áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó ưu tiên đàm phán, thương lượng giải quyết các vấn đề với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không loại trừ biện pháp nào, kể cả kiện ra Tòa án quốc tế để bảo vệ lãnh hải của mình.

Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông, Việt Nam đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan khác quan tâm và có lợi ích ở khu vực này. Hầu hết các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Dự kiến vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ khai mạc trong vài ngày tới tại Myanmar.

Các cơ quan truyền thông quốc tế hiện rất quan tâm đến vụ việc này

Reuters dẫn lời một quan chức trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc, trong bài viết có tựa đề “Việt Nam và Trung Quốc đối đầu trên biển Đông” nói rằng việc triển khai giàn khoan của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tới vùng biển này dường như mang tính chính trị nhiều hơn là thương mại.

The Economist nhận định, đây không phải là hành động bình thường. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng giàn khoan đang hoạt động trên vùng biển của Trung Quốc. Điều này dường như là để tuyên bố khu vực nằm trong thềm lục địa của Việt Nam thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Tuy nhiên, cơ sở của những tuyên bố trên là mơ hồ, cũng giống như bản đồ “đường chín đoạn”, khẳng định chủ quyền với phần lớn diện tích biển Đông Trung Quốc từng công bố. Trang tin cho rằng điều này không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.

BBC cho rằng đây là thời điểm căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng ở châu Á đạt mức cao nhất. Theo Financial Times, căng thẳng trong khu vực biển Đông leo thang đáng kể sau khi Việt Nam thông báo tàu Trung Quốc cố ý đâm vào tàu Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, đồng thời Philippines thông báo bắt 11 thuyền viên trên một tàu cá Trung Quốc.

Wall Street Journal: Nhiều chuyên gia về an ninh và đối ngoại quốc tế cùng chung quan điểm cho rằng, hành động của Trung Quốc là nguy hiểm. Bà Theresa Fallon - một chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu châu Á ở Brussels, Bỉ, nhận định, động thái của Trung Quốc là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực.

Biên tập viên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tờ IHS Jane’s Defence Weekly James Hardy: Việt Nam có một lịch sử không lùi bước trước những cuộc đối đầu.

Hiện Trung Quốc có khoảng 80 tàu các loại tham gia bảo vệ và phục vụ các hoạt động của giàn khoan HD981, trong đó có 7 tàu quân sự, đáng chú ý là 2 tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753 cùng 33 tàu hải giám, hải cảnh và các tàu vận tải, tàu cá và các loại tàu phục vụ khác. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa hề sử dụng lực lượng hải quân.

Hải Yến

 


Ý kiến của bạn