Việt Nam sẽ cấp phép công nghệ 4G vào năm 2016

27-03-2015 09:17 | Thời sự
google news

Việt Nam sẽ triển khai mạng 4G trong năm 2015 và dự kiến sẽ ấp phép cho mạng này hoạt động từ năm 2016.

Ngày 26/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG ASEAN tổ chức hội thảo quốc tế công nghệ băng thông rộng mạng 4G (4G LTE) tiểu vùng sông Mekong, với chủ đề “Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại tiểu vùng sông MeKong”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng phát biểu tại hội thảo

Từ năm 2012, trên thế giới, công nghệ băng thông rộng mạng 4G hay còn gọi là mạng LTE (Long Term Evolution) đã có sự phát triển vượt bậc và từng bước thay thế công nghệ 3G. Đến cuối năm 2014, thế giới có hơn 300 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông tại hơn 100 quốc gia đã cung cấp dịch vụ 4G. Trong đó, châu Á có hơn 60 đơn vị thuộc 25 quốc gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ 4G được phát triển thành công tại các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Singapore, Malaysia, Indonesia…

Theo nghiên cứu của Tập đoàn công nghệ Qualcomm, đến năm 2020, trên thế giới sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị kết nói công nghệ internet di động. Vì thế, thị trường công nghệ 4G tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, Việt Nam đã thực hiện quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ LTE từ năm 2010 và dự kiến triển khai trong năm nay. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy nhập tốc độ cao, cùng với xu hướng dần phổ cập các thiết bị đầu cuối, có thể khẳng định mạng 4G LTE sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới.

“Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, Việt Nam sẽ triển khai mạng 4G trong năm 2015 và dự kiến sẽ ấp phép cho mạng này hoạt động từ năm 2016 với mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần, khả năng dùng chung, chia sẻ mạng để tạo môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của đất nước"- ông Thắng cho biết.

Hội thảo thu hút gần 400 khách mời là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trong nước, các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong như Lào, Campuchia, Myanmar và một số quốc gia Âu Mỹ khác.

 

 

 


Ý kiến của bạn