Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22/10. Chiều 21/10, lễ đón chính thức đã được tổ chức trang trọng tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch nước nhiệt liệt chào mừng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến thăm Việt Nam, khẳng định chuyến thăm thực sự có ý nghĩa, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc và là sự kiện tạo dấu ấn mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch nước bày tỏ tình cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc của Việt Nam tới Liên Hợp Quốc, người bạn tin cậy, gắn bó, hỗ trợ Việt Nam trong tái thiết đất nước khó khăn sau chiến tranh trước đây và trong Đổi mới, hội nhập quốc tế ngày nay, cũng như tới cá nhân Tổng Thư ký António Guterres đã luôn quan tâm, ủng hộ tăng cường hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những thành tựu nổi bật, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam trong phát triển đất nước; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu và điều phối dẫn dắt các nỗ lực đa phương, giải quyết các thách thức chung; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp hết sức mình cho công việc chung của Liên Hợp Quốc và vì hoà bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới.
Trao đổi về các vấn đề hợp tác cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19, tư vấn xây dựng chính sách huy động nguồn lực quốc tế trong triển khai chiến lược phục hồi dài hạn theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam đang tích cực triển khai cam kết khí hậu về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ tích cực trong quá trình này.
Trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập
Ông António Guterres bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên đến thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước, chúc mừng những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, lấy người dân làm trung tâm, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập.
Tổng Thư ký đánh giá cao những đóng góp tích cực, nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua đối với công việc chung của Liên Hợp Quốc trên tất cả các lĩnh vực trụ cột, trong đó có việc đảm nhiệm thành công cương vị Uỷ viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc.
Tổng Thư ký khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; kỳ vọng Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình tại Liên Hợp Quốc, đóng góp trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; ủng hộ Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò chủ nhà, chủ trì tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn về biển và đại dương thời gian tới.
Trong trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên nhất trí cần tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương với Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, tinh thần đoàn kết, hợp tác trong bối cảnh tình hình an ninh – chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác Liên Hợp Quốc – ASEAN và phát huy vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề khu vực, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và các nước liên quan trong triển khai Đồng thuận 5 điểm để hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Nguyễn Đức