Sáng ngày 30/8/2019, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 lần thứ 8 được tổ chức với chủ đề thảo luận bàn tròn của các Bộ trưởng về “Tăng cường năng lực thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế thông qua ASPED III”. Các Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 đã chia sẻ kinh nghiệm và các bài học trong tăng cường năng lực thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế.
Việt Nam - quốc gia có trách nhiệm của WHO
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã chia sẻ Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm của WHO. Việt Nam đã đạt được yêu cầu về năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) từ năm 2014 và tiếp tục duy trì và củng cố những thành tựu này. Hiện tại, Việt Nam đã và đang xây dựng Kế hoạch tổng thể cho việc thực hiện IHR (2005) tại Việt Nam để tiếp tục tăng cường năng lực dựa trên các khuyến nghị Đánh giá chung (JEE) 2016.
Việt Nam có chung biên giới dài với Trung Quốc, Lào và Campuchia với số lượng lớn người, vận chuyển hàng hóa ra/vào hàng ngày qua biên giới gây nguy cơ cao lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua biên giới như cúm A (H7N9), Ebola, Mers-CoV, sởi, sốt rét, v.v... Do đó, Việt Nam khuyến nghị tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong công tác phòng ngừa và và kiểm soát bệnh truyền nhiễm mới nổi thông qua việc chia sẻ thông tin về các bệnh truyền nhiễm mới nối thông qua Cơ quan đầu mối quốc gia IHR; Trao đổi kinh nghiệm/chuyên môn và các kỹ năng chuyên môn kỹ thuật mới về phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm thông qua việc cung cấp các hội thảo kỹ thuật và các khóa đào tạo; Tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các tỉnh cụm ở khu vực biên giới để tạo điều kiện điều tra chung, truy tìm dấu vết và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm; Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và tiến độ thực hiện IHR hàng năm giữa các nước ASEAN và 3 nước đối tác.
Các Bộ trưởng y tế ASEAN tại hội nghị
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 lần thứ 8 đã thông qua được Tuyên bố chung của Hội nghị, nhất trí rằng sự hợp tác phát triển y tế phù hợp Chương trình phát triển y tế của ASEAN sau năm 2015. Các Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai IHR APSED III để tăng cường năng lực của ASEAN trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng; tăng cường nỗ lực chung trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm; Cùng nỗ lực để người dân được tiếp cận với các loại thuốc an toàn, hiệu quả và chất lượng. Các Bộ trưởng ASEAN 3 cũng tái khẳng định các cam kết của mình với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc để đạt được Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030; Đồng thời mong muốn được tham gia tích cực vào Diễn đàn Á-Âu sắp tới về việc chống lại các loại giả và kém chất lượng do Bộ Y tế, Vương quốc Campuchia tổ chức vào năm 2020.
Các Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 cũng ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của, và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các Đối tác Phát triển bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới, các ngân hàng phát triển, các đối tác phát triển song phương, các tổ chức xã hội và các khu vực nhân theo Quy tắc Thủ tục về sự tham gia của các Tổ chức với lĩnh vực y tế của ASEAN.
Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng y tế Indonesia ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Indonesia.
Chiều ngày 30/8/2019, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN Trung Quốc lần thứ 7 được tổ chức có chủ đề thảo luận bàn tròn về “Đổi mới nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ y tế”. Các Bộ trưởng Y tế ASEAN và Trung Quốc đã thảo luận về sự cần thiết của công cuộc đổi mới nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao chủ đề của thảo luận bàn tròn của các Bộ trưởng Y tế ASEAN Trung Quốc về đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Bộ trưởng nhấn mạnh khi chúng ta chuyển sang UHC, chất lượng dịch vụ ở tất cả các cơ sở khác nhau: bệnh viện, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe ban đầu là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Việc quan tâm đến người dân và lấy người dân làm trung tâm để đảm bảo niềm tin của người dân vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việt Nam đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đã tập trung và đạt được một số kết quả như phát triển mạng lưới các phòng khám bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe để tạo điều kiện tiếp cận chăm sóc sức khỏe người dân; Tăng cường hệ thống y tế bằng các chương trình hoạt động khác nhau, như chương trình bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, Chương trình tiếp cận cộng đồng trực tuyến, và giảm tải bệnh viện tuyến trên, phân công các bệnh viện tuyến trên đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới dựa trên nhu cầu và năng lực thực tế của họ; Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng các can thiệp toàn diện thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ngành y tế cũng tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như: ghép tạng, phẫu thuật nội soi, miễn dịch học, xạ trị v.v... Ngành y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm: PACS, LIS, HIS, các ứng dụng y tế thông minh trong quản lý và cung ứng dịch vụ kỹ thuật y tế.
Cho đến nay, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được cải thiện tốt. Tỷ lệ hài lòng người dân do tổ chức độc lập khảo sát cho thấy có trên 80% người bệnh hài lòng với chất lượng y tế. Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện và đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe để đóng góp một phần cho một Cộng đồng ASEAN khỏe mạnh và bền vững.
Nâng cao chất lượng dịch vụ là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác y tế ASEAN – Trung Quốc
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN Trung Quốc lần thứ 7 cũng đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng. Các Bộ trưởng Y tế ASEAN và Trung Quốc nhất trí ủng hộ việc đưa lĩnh vực Đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ là một lĩnh vực ưu tiên mới trong hợp tác y tế ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2020-2021; Cam kết tăng cường Đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc thúc đẩy đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đảm bảo môi trường thuận lợi để đổi mới; Tiếp tục thảo luận về giá trị và các ứng dụng của đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ bao gồm: An toàn, hiệu quả, lấy người bệnh làm trung tâm, thời gian thực tế, hiệu quả và công bằng.
Các Bộ trưởng Y tế ASEAN và Trung Quốc cũng nhắc lại sự hỗ trợ của các Bộ trưởng đối với việc triển khai UHC để đảm bảo quyền tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng và hiệu quả về chi phí cho mọi người dân mà không gặp rủi ro về khó khăn tài chính, đồng thời khẳng định tiếp tục nỗ lực tăng cường chất lượng của thuốc Y học Cổ truyền và Bổ sung (T & CM) thông qua việc thực hiện các hoạt động dự án thuộc Chương trình làm việc của Nhóm Y tế số 3 của ASEAN.
Các Bộ trưởng Y tế ASEAN và Trung Quốc ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các Đối tác Phát triển và Đối thoại, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới, các ngân hàng phát triển, các đối tác phát triển song phương, các tổ chức xã hội và các khu vực tư nhân theo Quy tắc Thủ tục về sự tham gia của các tổ chức với ngành y tế ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp song phương với Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, Ngài Kim Ganglip
Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 lần thứ 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp song phương với Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, Ngài Kim Ganglip, nhằm thảo luận, trao đổi về việc tăng cường hợp tác và mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực y tế thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã để nghị Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm thành lập Trung tâm phòng chống bệnh tật (CDC) cũng như Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm (FDA) của Hàn Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan đã kết thúc tốt đẹp vào chiều ngày 30/8/2019. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn đại biểu của Bộ Y tế đã lên đường về nước vào tối ngày 30/8/2019.