Tổng thống Hungary Áder János
Quan hệ Việt Nam – Hungary là một mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Trong quá khứ, nhân dân Hungary từng tham gia hiến máu ủng hộ các bạn Việt Nam trong thời khắc bom đạn, số lượng máu cần để điều trị cho người dân là rất lớn. Vì vậy, có thể nói quan hệ giữa hai nước là quan hệ máu thịt, tình anh em không thể tách rời. Từ hơn nửa thế kỷ qua, số lượng đông đảo sinh viên của Việt Nam đã từng được đào tạo ở Hungary trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Hungary có thế mạnh về y tế và khoa học công nghệ. Trong một vài trận lụt gần đây ở châu Âu khiến nhiều quốc gia bên dòng Đa nuýp bị ảnh hưởng trong đó có Đức, Romania,…, tuy nhiên nhờ công nghệ ứng phó và hệ thống thủy lợi tốt nên Hungary đã không bị thiệt hại. Một thành tựu đáng kể trong y tế mà Hungary đã đạt được là đã cứu sống thai nhi trong cơ thể một người mẹ bị chết não. Thai nhi này đã phát triển bình thường và chào đời khỏe mạnh. Đó là ca đầu tiên từng ghi nhận trong y văn của thế giới. Do vậy tiềm năng hợp tác y tế giữa hai nước là rất lớn. Rất nhiều cánh cửa các trường đại học y khoa lớn của Hungary sẵn sàng chào đón các sinh viên y khoa của Việt Nam.
(phát biểu tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Hungary nhân chuyến thăm Việt Nam 26-30/11/2014)
Ông Pierre Amilhat, Cục trưởng Cục châu Á-Thái Bình Dương, Tổng cục Hợp tác Phát triển, Uỷ ban châu Âu (EC)
Ông Pierre Amilhat (tay phải)
Đã 20 năm trôi qua kể từ lần đầu tôi đặt chân tới Việt Nam. Còn nhớ thưở xưa, địa chỉ văn phòng đầu tiên của phái đoàn EU là ở một showroom ô tô cũ. Nơi làm việc của trưởng phái đoàn lúc đó là ở giữa showroom, đồ đạc duy nhất chỉ là một cái ghế và một cái bàn. Và có những lúc trời mưa to đến mức nước mưa rơi làm ướt hết cả lên giấy tờ. Hàn huyên ôn lại kỷ niệm xưa, các bạn thân của tôi còn nhớ là ở phố Thái Phiên, cắt giữa phố Huế và phố Bà Triệu, nơi mà cuộc hành trình đầu tiên của chúng tôi đã bắt đầu. Một chặng đường rất dài đã qua và chúng ta đã đạt rất nhiều thành tựu. Điều quan trọng hơn cả đối với chúng ta là mối quan hệ song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ. Tôi vô cùng vinh dự khi chứng kiến giây phút này. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, giờ đây đã là một nước có thu nhập trung bình. Một số đối tác viện trợ phát triển của Việt Nam đã thay đổi cách thức viện trợ cho Việt Nam, mối quan hệ đã thay đổi thành mối quan hệ cùng có lợi và hướng tới tương lai. Chúng tôi rất ấn tượng trước nỗ lực và kết quả Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phòng chống đói nghèo trong 30 năm vừa qua. Những gì đã đạt được từ một nước chậm phát triển thành một nước có thu nhập trung bình quả thực là đáng ngưỡng mộ. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực viện trợ phát triển ở nhiều nước khác nhau và tôi có thể khẳng định với các bạn rằng tốc độ mà Việt Nam đạt được trong xóa đói giảm nghèo, tốc độ mà Việt Nam biến đổi về chất nền kinh tế là rất đáng khâm phục.
Ông Pierre Almihat (giữa) tại buổi họp báo về chương trình hợp tác phát triển của EU dành cho VN
Mối quan hệ Việt Nam-EU giờ đây đã bước sang một tầm cao mới. Mối quan hệ này đã được củng cố rất mạnh mẽ trong 1 năm qua với sự trao đổi đoàn cấp cao song phương. Gần đây, là chuyến thăm của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu tới Việt Nam. Đặc biệt vào tháng 10 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm Brussel. Ở đó chúng ta đã được chứng kiến những tuyên bố quan trọng: hai bên sẽ sớm đàm phán tự do mậu dịch, dự kiến sẽ ký kết FTA vào khoảng nửa đầu năm 2015. Đây là bước tiến quan trọng trên phương diện kinh tế và thương mại.
EU đã ký với Bộ Tài chính khoản hỗ trợ y tế lớn nhất của EU tại châu Á trị giá 114 triệu euro dành cho Việt Nam. Chương trình này sẽ được triển khai trong vòng vài năm tới đây, đây là minh chứng rõ ràng nhất về sự hợp tác hiệu quả và liên tục giữa chúng tôi với Bộ Y tế Việt Nam. Một sự hợp tác rất hiệu quả đã diễn ra trong vòng 20 năm qua.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran
Việt Nam luôn ở trong trái tim nhân dân Ấn Độ. Nhiều năm trước đây, nhân dân Ấn Độ đã luôn yêu mến và dành tình cảm cho Việt Nam qua phong trào đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Ngày nay, hai nước có tiềm năng lớn về du lịch và văn hóa. Với lượng khách du lịch Ấn Độ tới thăm các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng mỗi năm, thị trường du lịch tại Việt Nam là rất tiềm năng đối với du khách Ấn Độ. Bollywood, kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới của Ấn Độ dự định sẽ quay một vài bộ phim lấy bối cảnh hậu trường ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tới người dân Ấn Độ. Hiện nay, du khách Ấn Độ rất quan tâm đến các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh có nguồn gốc đạo Phật và có cái nôi từ nền văn hóa đặc sắc của Ấn Độ như chùa Trấn Quốc, Thánh địa Mỹ Sơn,…Nhiều du khách Ấn mỗi lần tới thăm Việt Nam lại thăm cây Bồ Đề ở chùa Trấn Quốc. Cây Bồ Đề này được Tổng thống Ấn Độ Prasat trao tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 21/3/1959. Ngoài những địa điểm mang tính lịch sử và dấu ấn văn hóa giữa hai nước, thì những di sản nổi tiếng của Việt Nam cũng là điểm thu hút du khách Ấn Độ, đặc biệt ẩm thực Việt với các loại hoa quả ngon và lạ, các loại rau xanh, các món ăn đa dạng theo vùng miền cũng rất được du khách Ấn Độ yêu thích và mong muốn khám phá. Ngoài ra, y học cổ truyền cũng là thế mạnh của hai nước. Ấn Độ mong muốn Việt Nam ủng hộ ngày yoga của thế giới, ngày tôn vinh môn khí công tốt cho sức khỏe vốn bắt nguồn từ Ấn Độ. Nếu đến thăm Ấn Độ, mà chắc chắn rất nhiều người dân Việt Nam sẽ mong ước một lần đặt chân tới cái nôi của nền văn minh phương Đông, bạn không thể bỏ qua thành phố linh thiêng Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi Đức Phật thành đạo và thăm đền thiêng Taj Mahal, chiêm ngưỡng sông Hằng,...
(chia sẻ của Đại sứ Ấn Độ tại Hội nghị Hợp tác Du lịch và Hàng không Ấn Việt)
Helen Daewin, tình nguyện viên người Australia
Tôi tốt nghiệp khoa điều dưỡng bệnh cấp tính tại Australia từ 14 năm trước và sau đó chuyển nghề sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Anh quốc. Khoảng 10 năm trong nghề ở Anh, chúng tôi cũng phải đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân và số lượng người cần thăm khám tư vấn. Qua giới thiệu của các bạn bè từng tới thăm và làm tình nguyện viên ở Việt Nam, họ nói với tôi đây là một đất nước tuyệt vời, một cơ hội để trải nghiệm cảm giác mới. Tôi đã dành dụm tiền tiết kiệm của mình để sang Việt Nam.
Ở Việt Nam, trải nghiệm cùng các đồng nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản thật là tuyệt vời. Tôi có thể nhận thấy sự tận tâm và nỗ lực của các đồng nghiệp Việt Nam trên nhiều phòng khám mà tôi đã tới thăm. Tôi cũng đã tới thăm Hội An, Đà Nẵng, Vịnh Hạ Long, Tháp Rùa (Hà Nội), Hải Dương,... Nơi để lại ấn tượng nhất trong tôi có lẽ là Hội An, một thành phố đặc sắc và cổ kính. Đạp xe trên con phố Hội An như là cách để người ta quên đi mọi âu lo, cảm thấy thư thái và hạnh phúc. Đặc biệt tôi rất mê các món ăn của Hội An. Ngoài ra, phở là món ăn tôi rất thích. Có lẽ khi quay trở lại Australia, quê hương tôi hoặc quay trở lại Anh nơi tôi đang sinh sống và làm việc, tôi sẽ thi thoảng thưởng thức lại món phở ở các khu phố Việt kiều. Tôi rất hy vọng có cơ hội để quay trở lại Việt Nam một lần nữa.
Nhóm nhà báo LHQ (gồm các nhà báo Anh, Mỹ, Canada, Australia)
Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn nhà báo LHQ
Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi khi tới thăm Việt Nam là hệ thống y tế cơ sở đặc biệt là các cô đỡ thôn bản và nhân viên y tế người dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Mô hình y tế từ TW đến cấp tỉnh, quận huyện và xã phường, thôn bản không phải là xa lạ đối với một vài nước đang phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam thực sự vận hành rất hiệu quả. Nhờ có những người dân tộc H’mong tâm huyết với bản làng, khát khao được chăm sóc cho cộng đồng mình mà họ đã mang tới sự chăm sóc tận tâm, sự hy sinh ấm áp cần mẫn tới tận gia đình mỗi khi có người bị ốm, có bệnh dịch, chăm cho mỗi em bé, bà mẹ...Nhờ đội ngũ nhân viên y tế di động này mà các mục tiêu bà mẹ và trẻ em, tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, giảm nhiễm HIV/AIDS, dập dịch, phòng tránh bệnh tật đã được thực hiện tốt. Nhờ hệ thống y tế cơ sở này mà Việt Nam đã trở thành điểm sáng của LHQ trong việc hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ở các nước phát triển không có các trạm y tế xã, đây là điều mà các nước phát triển có thể học hỏi.
Bích Vân