Một người bạn lớn của các nhà văn Việt Nam vừa ra đi. Tim Obrien là một trong số rất ít nhà văn ở Mỹ có thể sống được bằng nghề. Nghĩa là ngoài viết văn, ông không làm bất cứ một việc nào khác. Tôi gặp ông cách đây cũng mấy chục năm rồi. Gặp ông rất vui. Tôi rất thích nghe ông nhận xét về Việt Nam. Và nhìn chung, nghe bất cứ người nước ngoài nào nói về Việt Nam, ta cũng thấy rất thú vị. Thú vị vì ta như được ngắm ta bằng một con mắt khác. Họ phát hiện được rất nhiều những điều bất ngờ mà có khi chúng ta lại không nhận ra. Một anh Tây ba lô khi học nói tiếng Việt rất ngạc nhiên: “Tiếng Việt của các anh lạ thật. Những gì trên khuôn mặt đều có chữ M. Này nhé: mắt, mũi, môi, miệng, mép, má, mi (lông mi), mai (tóc mai), mày (lông mày). Đấy, toàn M. Còn ông J. Berke, một giáo sư người Đức, thấy tàu hỏa Việt Nam rất kỳ dị. Ông đã hai lần sang Việt Nam, lần nào ông cũng xuyên Việt bằng tàu hỏa. Ông đi từ Sài Gòn ra Hà Nội. Chặng đường dài hơn ngàn cây số. Nếu ở nước Đức của ông, tàu chỉ chạy trong một đêm. Còn ở đây, con tàu cứ cà rịch cà ràng chạy miết. Ông đọc hết cả một đống sách báo mang theo. Rồi lại ngủ. Lại đọc. Rạng sáng ngày thứ ba, mở mắt ra, ông kinh ngạc thấy tàu vẫn lúc lắc chạy. Đến lúc đó thì ông bắt đầu thấy hoảng. Ông nghĩ là mình đã lên nhầm tàu. Không khéo con tàu này là tàu liên vận quốc tế. Nó đã sang đến Trung Quốc hay Mông Cổ gì đó. Ông nhìn qua cửa sổ chắn bằng lưới sắt như chuồng nhốt thú dữ. Không có thảo nguyên, cũng không thấy đồng cỏ, nhưng lại có những căn lều lợp bằng rơm rạ của dân du mục. Thế thì đích thị là nước Mông Cổ rồi còn gì. Nghĩa là con tàu đã chạy qua nước Trung Quốc rồi. Vé đi Hà Nội sao lại sang Mông Cổ? Ông bày tỏ sự ngạc nhiên như thế. Nhưng không ai hiểu. Cả nhân viên nhà tàu và người bạn đường của ông, một cựu chiến binh ngồi cùng toa, đều nhìn ông như nhìn người trên sao Hỏa. Thế rồi mãi buổi trưa hôm sau nữa, con tàu mới về đến ga Hà Nội. Chỉ vượt có hơn ngàn cây số mà ông cứ đinh ninh mình đã chu du qua cả mấy nước châu Á.
Nhà văn Tim Obrien.
Tim Obrien cũng thế. Ông đã viết đến mấy cuốn sách về những điều kỳ lạ ở Việt Nam. Một trong những cuốn sách làm nên tên tuổi ông, đưa ông lên đài cao vinh quang, khiến ông nổi tiếng khắp nước Mỹ và cả thế giới, mà mỗi năm được in lại đến hàng triệu bản, là cuốn sách viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam: “Những gì họ đã mang theo”. Vậy “họ mang theo” những gì? - Đó là ba lô, đạn dược, súng ống. Nghĩa là những trang bị bình thường và tối thiểu mà bất cứ người lính nào ra trận cũng cần phải có. Tất nhiên là như thế rồi. Đó là phần xác, phần ai cũng nhìn thấy. Còn phần hồn, họ mang nặng hơn nhiều. Ấy là nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh và những mặc cảm tội lỗi. Trang bị lính, họ chỉ đeo một giai đoạn ngắn, thường là khoảng một năm. Còn nỗi ám ảnh chiến tranh, những mặc cảm tội lỗi thì ám họ đến suốt đời. Bởi thế, người lính Mỹ nào đã từng giết người ở Việt Nam, trông họ là nhận ra ngay. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, họ là những người rất tốt. Chỉ những người rất tốt mới biết ân hận về những việc không đẹp mà mình đã làm.
Tim Obrien nói bằng một giọng khàn khàn. Trông ông chả giống nhà văn, cũng chẳng ra một gã lính Mỹ. Chiếc mũ vải đỏ lúc nào cũng dính chặt vào đầu. Tấm áo may ô cũng mang màu đỏ, quần soóc đỏ, giày thể thao, ba lô thể thao. Trông ông như một vận động viên leo núi.
- Tôi sang Việt Nam cũng là vì hèn nhát - Tim Obrien tâm sự - Hồi là sinh viên, tôi đã lên án và chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để ngồi tù, hoặc trốn sang Canada. Thế là tôi bị cuốn vào cuộc chiến. Tôi sang Việt Nam năm 1969. Từ ô cửa sổ máy bay, nhìn xuống khu Cam Ranh và mặt đất mới thật sự là khiếp đảm. Trông nó cứ âm u, bí hiểm và lạnh ngắt như những nấm mồ. Lúc đó, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Tôi sẽ chết ở Việt Nam. Không khéo chết ngay trong năm 1969, khi tôi mới 22 tuổi. Không ai có thể cứu tôi thoát khỏi cái chết.Tim Obrien dừng lại, nghiêng mũ lắng nghe tiếng chuông gió nhỏ từng giọt trong vắt vào làn sương mù lãng đãng, thấm đậm mùi thảo mộc của mấy miệt vườn xanh om quanh khu biệt thự làm bằng gỗ sồi ở ngoại ô thành phố Boston.
- Ấy thế mà tôi lại không chết, không chết, ông Khoa ạ. Nói đúng ra là Chúa đã cứu tôi. Vị Chúa ấy, tôi đeo trên lưng. Đó là cái máy thông tin bộ đàm. Nó đã che chắn cho tôi. Nhờ thế, tôi chỉ bị thương. Còn nó thì nát bét. Đụng mìn Việt cộng mà. Quả mìn rất quái đản, chế tạo bằng vỏ hộp bia Mỹ.
- Thế thì ông chạm phải du kích địa phương rồi, không phải quân chủ lực của chúng tôi đâu.
- Vâng, đúng là quân địa phương, tiểu đoàn 48 Quảng Ngãi. Mãi sau này, hòa bình rồi, sang Việt Nam, tôi mới có dịp được gặp vị thống soái của đội quân bí hiểm ấy. Đó là một ông già nhỏ bé, chột mắt. Ông ta bị thương 16 lần, mang một chân gỗ, thế mà đi cứ thoăn thoắt. Có điều đến đâu, ông ta cũng được nhân dân sùng bái, mến mộ. Bởi thế, chúng tôi thua là phải. Thắng sao nổi những người hiền lành lại được dân yêu như thế. Gặp tôi, ông bắt tay, cười hề hề, rồi kéo tôi ra nghĩa địa, một khu nghĩa địa vùng nước mặn Sơn Mỹ. Có đến hàng ngàn ngôi mộ. Họ sửa sang mồ mả vào đúng ngày rằm tháng Bảy Vu lan, rồi bày xôi thịt ra mộ, đặt trên những tấm lá chuối, rồi thắp hương, cầu nguyện. Người Việt có một đức tính rất hay là họ không thù dai. Thấy tôi, họ “hê-lô”, rồi mời tôi ngồi bệt xuống rãnh mộ, ăn tiệc cúng. Tiệc bày toàn những miếng mỡ lợn trắng hếu. Trông cứ ghê ghê. Tôi nhìn họ kinh ngạc. Chả lẽ Việt cộng là những người hiền lành trông yếu ớt như trẻ suy dinh dưỡng thế ư?
- Thế những năm chiến tranh, ông có thấy họ không?
- Không! Làm sao thấy được họ. Thấy họ thì tôi toi mạng rồi. Họ xuất quỷ nhập thần. Họ vừa nện cho cả tiểu đoàn mình tơi tả, nhưng khi mình tới nơi thì họ đã biến mất, chẳng còn thấy gì ngoài mặt đất thật thà và chất phác. Bởi vậy, đánh nhau với họ, tôi có cảm giác như chúng tôi đang đánh nhau với mặt đất. Mà mặt đất thì xưa nay, nhân loại chẳng có ai tiêu diệt được, cũng chẳng có ai chạy thoát được nó. Và như thế, Tim Obrien đã gặp Blaga Đimitrôva, một nhà thơ lớn kiệt xuất của Bungaria. Hai nghệ sĩ này đã nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam bằng con mắt giống hệt nhau. Năm 1968, trước khi Tim Obrien sang Việt Nam một năm, nhà thơ Bungari Blaga Đimitrôva đã hé ra cái ý nghĩ của nhà văn lớn Mỹ sau này: “Cuộc chiến tranh giữa Đất và Trời - Ai sẽ thắng? Tôi không hay, chỉ thấy - Kẻ bị thương ở trên trời thì rơi - Đất bị thương thì vẫn còn nguyên đấy”.
- Nếu cần nói đôi điều về cuốn sách của mình, ông sẽ nói gì?
- Cuốn sách của tôi là tập ký ức, hay nói đúng hơn là nỗi ám ảnh của những người lính Mỹ về Việt Nam và cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bởi thế, tôi chia làm ba phần. Phần một là thời gian ở Việt Nam. Phần hai là thời gian hiện tại. Phần ba là tuổi thơ đan xen. Nhưng tôi viết phóng khoáng. Mỗi mảng là một câu chuyện, có khi một sự kiện hoặc một tình tiết, nhưng được viết một cách độc lập, đứng tách ra thành từng chuyện riêng. Gộp tất cả lại thì nó lại giống tiểu thuyết. Bởi thế, tôi chả biết gọi nó là cái gì. Truyện ngắn à? Không phải! Tiểu thuyết à? Hình như cũng không phải. Thôi, ta cứ gọi nó là cuốn sách.
- Tôi rất mong cuốn sách của ông sớm có mặt ở Việt Nam và được dịch ra tiếng Việt. Nếu cần nhắn với độc giả Việt Nam một câu thật ngắn gọn, ông sẽ nói gì?
- Tôi chỉ mong hòa bình. Hòa bình mãi mãi!
Cảm ơn Tim Obrien. Cầu mong ông siêu thoát trong cõi vĩnh hằng!