Việt Nam - Nơi thăng hoa của nhiếp ảnh gia nước ngoài

02-12-2013 13:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

(SucKhoeDoiSong.vn) - Sự xuất hiện của một loạt các bức ảnh có giá trị về nhiều vùng đất của Việt Nam thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của công chúng.

Sự xuất hiện của một loạt các bức ảnh có giá trị về nhiều vùng đất của Việt Nam thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Điểm chung và đặc biệt ở chúng khi tác giả chính là những nhiếp ảnh gia người nước ngoài từng có quãng thời gian ghé thăm, làm việc tại Việt Nam.

“Mảnh đất hóa tâm hồn”

Triển lãm “Mảnh đất hóa tâm hồn” của John Ramsden - một nhà ngoại giao trẻ, Phó đại sứ Anh tại Việt Nam giới thiệu những bức ảnh chân thực, sống động về Hà Nội những năm 1980 đã gây một mối xúc động mạnh với công chúng. Những hình ảnh của thời bao cấp được lật lại, gợi nên bao nhiêu kỷ niệm khó quên với nhiều thế hệ con người sinh trưởng ở Thủ đô giai đoạn ấy. Sự tò mò và sở thích ngoài công việc chính của John Ramsden vô tình khiến ông trở thành một người nắm giữ những giá trị lịch sử lớn về một giai đoạn phát triển của Hà Nội, nét đẹp của thành phố, những tư liệu thân thương mà vô cùng quý giá.

Ảnh của tay máy Nhật Bản Tashi Nakata.

Rồi những nét đặc trưng của Việt Nam đã được tay máy Nhật Bản Tashi Nakata thể hiện qua những khung hình cô đọng đã được nhiều người chuyền tay nhau. Những chủ đề rất phổ biến như Tam Cốc - Bích Động, đường phố Hà Nội, Hội An, gánh hàng rau... bỗng như mang hồn vía của con người, như có nhiều lời muốn nói đằng sau những khoảnh khắc xuất thần ấy. Trước đó, loạt ảnh về con người, đồng đất nhiều vùng miền của Việt Nam của nhiếp ảnh gia người Pháp - Réhahn được công bố đã thực sự chạm vào trái tim của công chúng. Từ Bắc Hà tới Hội An, ống kính của nhiếp ảnh gia du lịch chú tâm khai thác chủ đề con người lao động cần lao, gần gũi với những góc chụp sáng tạo như qua ô cửa tàu hỏa, chụp đôi bàn tay, chụp từ trên cao, buổi chiều tà, nửa gương mặt. Tuy vậy, hình ảnh hết sức chân thực, gợi nhiều cảm xúc sâu sắc.

Khai thác chủ đề quen thuộc với hiện nay nhưng khá mới mẻ vào những năm 1990 là những nghề mưu sinh của người dân thường ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng nhiếp ảnh gia người Bỉ, John Vink là người nắm trong tay những bức ảnh vô cùng đáng giá. Dưới góc nhìn của thành viên tạp chí ảnh Magnum, những công việc như bán xổ số kiến thiết, chơi bi-a, cắt tóc, nhà máy sản xuất xe đạp, bán chổi, rổ rá, lái đò, đội chiếu phim, chuyến phà... trở thành một chứng nhân lịch sử rất đỗi đời thường về những năm tháng khó quên. Cũng là thành viên của Magnum, nhiếp ảnh gia người Mỹ, David Alan Harvey từng công bố những bức ảnh màu hiếm hoi ông chụp trong một lần đến thăm Việt Nam năm 1989. Công chúng đã ngỡ ngàng thích thú trước một Hà Nội với những phong tục truyền thống như cưới hỏi, hội hè, còn rất đỗi đơn sơ với nhịp lao động khẩn trương của xóm vạn đò, trại nuôi vịt, đồng ruộng ngoại thành...

Nghệ thuật chân chính luôn được trân trọng

Diện tích không quá lớn nhưng có một nền văn hóa đầy bản sắc, Việt Nam giống như một thỏi nam châm khiến những du khách, những người từng qua hoặc gắn bó cảm thấy muốn có một kỷ niệm, muốn lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Vào thời điểm mà chính vì sống trong môi trường quá quen thuộc, các nhiếp ảnh gia trong nước chưa chắc đã nhận ra những vẻ đẹp vây quanh cuộc sống của mình, nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và cả không chuyên ở nước ngoài đã kịp có những bộ sưu tập ảnh đáng quý về nếp sống đời thường ở Việt Nam. Qua thời gian, những bức ảnh càng trở nên có giá trị, như một chứng nhân cho một thời điểm mà vẻ đẹp nằm ở sự giản dị, tự nhiên.

Việc giới thiệu các bộ sưu tập ảnh, tổ chức các triển lãm ảnh của các nhiếp ảnh gia nước ngoài về Việt Nam đã khiến môi trường nhiếp ảnh ở trong nước trở nên phong phú và sôi động hơn. Mặt khác, các hoạt động này đã gián tiếp quảng bá cho vẻ đẹp con người và cảnh sắc của Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Những bức ảnh, dưới góc nhìn đầy thú vị, mới lạ của những nhiếp ảnh gia có nghề người nước ngoài không còn đơn thuần là lớp vỏ bọc khô cứng nữa mà chất chứa những câu chuyện, tự sự con người.

Bên cạnh việc tôn vinh những nhiếp ảnh gia trong nước bằng các giải thưởng chuyên môn, việc khích lệ, ghi nhận những thành quả của các nhiếp ảnh gia nước ngoài khi khai thác chủ đề Việt Nam là một việc làm vô cùng thiết thực, ý nghĩa. Ngoài việc đi theo đường lối ngoại giao thân thiện, hòa đồng, động thái này còn khẳng định giá trị nghệ thuật chân chính luôn được trân trọng, tôn vinh kịp thời, bất kể chủ thể sáng tạo là người Việt Nam hay nước ngoài, chuyên nghiệp hay không chuyên, dụng ý hay vô tình. Sự đánh giá, phán xét, suy cho cùng, chính yếu nằm ở công chúng.

Hoàng Nam


Ý kiến của bạn