Cách đây một năm, nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản - một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và khoa học kỹ thuật của thế giới.
Và mới đây, PGS. TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thừa nhận: Thực tế, số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH nào của Việt Nam được đứng trong bản xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới. Đó liệu có phải là một nghịch lý của đào tạo trình độ cao hay không? Hay nó phản ánh tâm lý xã hội nói chung trong thời kỳ chữ “danh” được chú ý nhiều hơn “lòng tự trọng” trong khoa học?
Đã có nhiều người phải thốt lên rằng: Đừng biến đất nước mình thành một quốc gia có quá nhiều “tiến sĩ giấy”. Trong con số 24.300 tiến sỹ mà báo chí nêu những ngày gần đây, họ đang đảm nhiệm những chức vụ khác nhau: Có thể là những người có chức vụ, làm chủ doanh nghiệp hoặc đang giảng dạy ở các trường CĐ, ĐH. Nhưng ở chức vụ hay công việc nào, hình như họ chỉ quan tâm đến công việc của hiện tại, bỏ bê nghiên cứu khoa học và vì thế, trong một năm, tìm được những công trình nghiên cứu thực sự giá trị có ảnh hưởng tầm khu vực và thế giới của các tiến sĩ thật khó như “tìm kim đáy bể”. Và có phải vì vậy, khoảng cách khoa học công nghệ của Việt Nam với thế giới mỗi ngày một xa hơn?
Những sáng chế khoa học gây chấn động dư luận trong nước thời gian gần đây lại không phải do các tiến sĩ được đầu tư đào tạo bằng tiền của Nhà nước mà là những “phát minh” trong nhân dân. Nói đúng hơn là của những nông dân say mê sáng tạo và tìm tòi dù họ, bằng cấp còn cách xa học vị tiến sĩ quá nhiều. Ông Lê Văn Đáo, ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên chế được thuốc trừ sâu từ dược thảo, không độc hại đối với con người và ông Nguyễn Quốc Hòa, ở tỉnh Thái Bình chế tạo ra tàu ngầm mini có tên Trường Sa hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Đáng ra, trong cảnh “khan hiếm” những sáng tạo, thì công trình của những “tiến sĩ nông dân” này phải được quan tâm và tạo điều kiện phát triển hơn nữa. Thế nhưng vì không có “bà đỡ”, không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra nghiên cứu đầu tư phát triển và nhân rộng nên các công trình từ nhân dân mà ra bị lãng phí công nghệ, tài nguyên, chất xám và tiền bạc.
Nghiên cứu khoa học nào cũng cần vai trò “bà đỡ” tận tâm mà ở đây là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, nguồn vốn và sự hỗ trợ về công nghệ liên quan. Tiếc thay, tàu ngầm của người nông dân ở Thái Bình đã có lúc không thể thử nghiệm còn thuốc trừ sâu không độc hại thì chỉ sử dụng ở phạm vi gia đình, chưa được nhân rộng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm trong việc này.
Đã có chứng minh cho thấy, các vĩ nhân, các nhà sáng chế thiên tài chưa hẳn đã là phải là giáo sư, tiến sĩ. Điều đó càng đòi hỏi chúng ta phải công bằng trong tư duy đào tạo và nghiên cứu khoa học: Rằng sáng chế có ích nào cũng cần cơ chế hỗ trợ và những người mang trong mình học vị tiến sĩ phải có tự trọng khoa học, không thể ỷ lại, không thể phấn đấu chỉ để lấy cái danh cho con đường thăng tiến trong sự nghiệp mà quên đi trách nhiệm đối với khoa học nước nhà.
Những phát minh khoa học là nhân tố làm thay đổi cuộc sống, là chất vàng mười trong quá trình phát triển. Tại sao một trẻ em nước ngoài có thể làm được bài tập: Hãy phát minh ra điều gì đó có ích cho cuộc sống mà các tiến sĩ của chúng ta lại không? Đừng biến mình thành những người luôn kè kè tấm bằng mà thiếu đi sự sáng tạo thực tế.