Hà Nội

Việt Nam "nhiệt tình quá mức" khi tìm máy bay mất tích?

17-03-2014 09:46 | Thời sự
google news

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Việt Nam đã xác định trách nhiệm vì con người, vì cộng đồng nên triển khai lực lượng sớm nhất trong khu vực để tìm kiếm máy bay mất tích..

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Việt Nam đã xác định trách nhiệm vì con người, vì cộng đồng nên triển khai lực lượng sớm nhất trong khu vực để tìm kiếm máy bay mất tích..

Trước câu hỏi của phóng viên về một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng Việt Nam nhiệt tình quá mức trong việc tìm kiếm máy bay của Malaysia Airlines mất tích, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã bác bỏ ý kiến đó và nhấn mạnh: "Nếu ai đó nói vậy thì phải đặt ra thế nào là quá mức, vừa phải là thế nào? Tôi nhắc lại Việt Nam nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng đã triển khai lực lượng sớm nhất trong khu vực vì nắm vững đường bay dự kiến vào Việt Nam mặc dù chưa vào FIR Việt Nam. Nhưng chúng tôi xác định trách nhiệm của chúng tôi vì con người, vì cộng đồng nên triển khai theo nhiệm vụ mà chúng tôi được giao".

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Về một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đưa nhiều phương tiện hiện đại đang trong giai đoạn chuyển giao huấn luyện như máy bay tuần thám biển, thủy phi cơ... ngoài việc tìm kiếm, diễn tập còn nhằm mục đích đảm bảo chủ quyền, lãnh hải trong lúc có nhiều phương tiện nước ngoài cũng tham gia tìm kiếm ở vùng biển nhạy cảm, Trung tướng Tuấn khẳng định: "Nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời bình là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền đất nước. Khi có sự việc như thế này thì nhiệm vụ cao nhất của chúng tôi là tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đồng thời, trách nhiệm của quân đội là bảo vệ chủ quyền nên với bất cứ quốc gia nào cũng thế thôi".

Trung tướng Tuấn cũng đánh giá, qua việc tổ chức tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, bài học đầu tiên cần được rút ra đó là việc phải nắm thông tin chính xác.

"Qua việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích này thì chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm đó là phải nắm thông tin, đánh giá thông tin từ các nguồn một cách chính xác. Đặc biệt, trong vụ việc này bất bình thường so với những vụ khác, phải tìm kiếm mở rộng, thông tin rất nhiễu nên càng phải đảm bảo thông tin chính xác.

Lực lượng thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là cứu nạn phải chuẩn bị rất kỹ cả về con người và phương tiện. Giả sử có những người bị lâm nạn thì làm sao phải đảm bảo thời gian càng nhanh càng tốt để họ không bị thương vong, thiệt hại do kéo dài thời gian. Muốn như vậy, phải xác định được vị trí gặp nạn để làm sao chúng ta có thể ứng cứu nhanh nhất.

Một điều nữa là phải chỉ đạo theo Sở chỉ huy thống nhất từ trên xuống dưới cùng với đó là sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các quốc gia với tiêu chí cao nhất là trách nhiệm vì cộng đồng quốc tế, vì nhân đạo với con người", Trung tướng Tuấn nói.

Với câu hỏi cho rằng, Malaysia đã không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, Trung tướng Tuấn không đồng ý và cho rằng: "Malaysia là chủ của chiếc máy bay nên phải đưa thông tin chính xác. Cá nhân tôi không đánh giá nước bạn bất hợp tác. Ngay hôm sau khi máy bay mất tích, tùy viên quân sự Malaysia, Singapore đã có mặt tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để họp, thống nhất có bất cứ thông tin gì thông báo.

Ngoài việc triển khai tìm kiếm ở biển Đông thì chúng ta có thể tìm kiếm chỗ khác. Việt Nam mở rộng ở cả đất liền, biên giới và rừng núi nên việc nước bạn mở rộng ra eo biển Malacca là việc đương nhiên phải làm".

Phó tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cũng tái khẳng định, lực lượng nước ngoài vào vùng biển, vùng trời của Việt Nam là lực lượng phối thuộc, chịu sự hướng dẫn của nước chủ nhà.

“Chúng tôi đã thông báo cho các nước liên quan biết về việc Việt Nam yêu cầu rút lực lượng tìm kiếm khỏi vùng biển Việt Nam”, tướng Tuấn cho hay.

Trước đó, chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines hôm 8/3 đột nhiên biến mất khi đang trên đường tới Bắc Kinh, không lâu sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur. Chuyến bay mang theo 227 hành khách và 12 người thuộc phi hành đoàn, trong đó có 2 trẻ sơ sinh, 154 người mang quốc tịch Trung Quốc, 38 người Malaysia và các quốc gia khác như Indonesia, Pháp, Mỹ, Australia, Canada...

Hiện vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về nguyên nhân mất tích của chiếc máy bay MH370.

 

 


Ý kiến của bạn