Việt Nam nằm trong vùng có nguy cơ cao về sóng thần

29-03-2023 07:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Động đất phát sinh ở các đứt gãy trên thềm lục địa có thể gây sóng thần cho các vùng bờ biển ở Việt Nam, tuy vậy vẫn cần nghiên cứu sâu hơn.

Động đất trên Biển Đông, gần bờ biển Tuy HòaĐộng đất trên Biển Đông, gần bờ biển Tuy Hòa

SKĐS - Trận động đất trên Biển Đông có độ lớn 3.4 vừa xảy ra ở khu vực cách TP Tuy Hòa (Phú Yên) 82km. Trận động đất không gây thiệt hại về người và tài sản.

Có thể cảnh báo sớm nếu có sóng thần

Chiều tối ngày 28/3, một trận động đất có độ lớn 3.4 đã xảy ra trên Biển Đông, gần bờ biển khu vực Phú Yên. Động đất trên biển là nguyên nhân của sóng thần, vậy nguy cơ sóng thần đối với Việt Nam như thế nào?

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý Địa cầu, Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, mà Thái Bình Dương là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Việt Nam có 25 kịch bản sóng thần đã được tính sẵn (chủ yếu liên quan tới đới hút chìm Manila). Theo kịch bản có sẵn thì nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2 m ở Quảng Ngãi và 2,1 m ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Việt Nam nằm trong vùng có nguy cơ cao về sóng thần - Ảnh 2.

Cần có các nghiên cứu và phương án ứng phó với kịch bản sóng thần xảy ra ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, đến nay Việt Nam chưa từng bị sóng thần tấn công, nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với hiểm họa sóng thần. "Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ, cần phải có sự chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trong tương lai", ông Phương nói.

Các nhà địa chấn Việt Nam đã xác định hiểm họa sóng thần vẫn có thể xảy ra đối với Việt Nam trong tương lai, hiểm họa đó có thể bắt nguồn ở ngay trong khu vực Biển Đông. Tức là trong khu vực Biển Đông vẫn xác định được các vùng phát sinh ra động đất có thể gây ra sóng thần, mà sóng thần xảy ra ngay trong Biển Đông thì có thể tác động tới vùng bờ biển Việt Nam.

Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được 9 vùng nguồn khác nhau ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, có hai vùng được xác định nguy hiểm tới Việt Nam gồm: vùng nguồn xa bờ nằm ở phía tây Philippines - ở đó có một đới hút chìm gọi là máng biển sâu Manila. Đó là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Thứ hai là vùng nguồn gần bờ - nằm ở ngay trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ trên vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam.

TS Phương cho biết, từ năm 2007, Việt Nam đã thành lập một trung tâm có tên gọi Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu. Trung tâm này chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc phát hiện sớm động đất, sóng thần và ra các cảnh báo về động đất, sóng thần trên toàn lãnh thổ của Việt Nam. Đến nay, trung tâm này vẫn duy trì hệ thống quan trắc có trực ca 24/24 giờ. Nếu có sóng thần xảy ra, chúng ta hoàn toàn có khả năng cảnh báo sớm, cảnh báo kịp thời cho các vùng biển ở toàn bộ dải ven biển của Việt Nam.

Hiện nay trung tâm cũng nằm trong hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại từ sóng thần của khu vực Thái Bình Dương với 35 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vì thế, nếu sóng thần xảy ra trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu có nguy hiểm tới Việt Nam, chúng ta sẽ được thông báo bởi các tổ chức quốc tế. Đồng thời, trong phạm vi của quốc gia, Việt Nam cũng có khả năng tự phát hiện và tự ứng phó với sóng thần trên toàn bộ dải ven biển của Việt Nam.

Những vùng biển có nguy cơ sóng thần

PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trước khi xảy thảm họa sóng thần ngày 26/12/2004 gây ra bởi động đất 9.0 độ ở Sumatra, Indonesia, việc nghiên cứu sóng thần ở nước ta chưa được chú ý nhiều. Lần đầu tiên việc khảo sát, đánh giá sóng thần đã được tiến hành cho vùng bờ biển Nghệ An - Hà Tĩnh phục vụ việc xây dựng Khu gang thép Thạch Khê năm 2007. Nghiên cứu này đã đưa ra các kết luận sau: Ở vùng bờ biển Thạch Khê có khả năng từng xảy ra sóng thần cao tới 3 m, nguyên nhân không phải là động đất mà có thể là có nguồn gốc khí tượng, động đất phát sinh ở các đứt gãy trên vùng thềm lục địa có thể gây sóng thần cao không quá 2 m ở vùng bờ biển này. Tuy nhiên, những người nghiên cứu chưa chú ý đến các nguồn sóng thần trong vùng Biển Đông.

Nhận định về sóng thần trong vùng Biển Đông và ảnh hưởng đến vùng bờ biển nước ta, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, vùng quần đảo Philippines là một vùng có hoạt động động đất rất cao, nên vùng Biển Đông và dải ven bờ nước ta có thể chịu ảnh hưởng của nguồn sóng thần duy nhất từ các động đất thuộc trũng sâu và vùng chồng gối (đới hút chìm) Manila. Gần đây, sau thảm họa ở Sumatra, vấn đề sóng thần được đặc biệt chú ý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành một đề tài nghiên cứu phục vụ việc cảnh báo sóng thần ở nước ta. Các tác giả đã sử dụng một mô hình số trị mô phỏng sự lan truyền sóng thần từ một nguồn M 8,7± 0,3 ở Tây Philippines đến bờ biển Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong trường hợp ấy sóng thần ở vùng bờ biển từ Quảng Ngãi đến Phan Rang có thể đạt tới độ cao 3-5 m. Đối với những trận động đất có chấn cấp bằng 7,0 dù xảy ra sát đường bờ biển cũng không gây sóng thần đáng kể. Các động đất có chấn cấp 7,5 độ Richter trở lên xảy ra trong phạm vi Biển Đông, cách đường bờ dưới 1000 km có thể gây sóng thần mức độ không cao, tác động tới bờ biển và hải đảo Việt Nam.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, đới động đất Manila là nguồn sóng thần xa có ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển và hải đảo Việt Nam. Với kịch bản chấn cấp 8,5 độ Richter có thể gây sóng thần đạt 2,5 m tại Quảng Ngãi sau 150 phút; tại Hoàng Sa là 2,5 m sau 75 phút; tại Trường Sa là 2,8 m sau 75 phút. Động đất với chấn cấp 8,85 độ Richter có thể tạo nên sóng thần có độ cao lớn nhất tại Quảng Ngãi là 5,5 m và sau 150 phút, giảm dần về phía Cà Mau và Quảng Ninh (dưới 3,0 m); tại quần đảo Hoàng Sa cao 6,0 m và sau 70 phút; và quần đảo Trường Sa sóng cao gần 7,0 m và đến sau 70 phút.

Các đới đứt gãy sinh chấn trong phạm vi Biển Đông là những đới có nguy cơ tiềm ẩn động đất gây sóng thần nguy hiểm. Ở khoảng cách rất gần, nên các đới như Bắc Hoàng Sa, Kinh tuyến 1100, Thuận Hải - Minh Hải, Cảnh Dương - Phú Quý, Palawan có thể gây sóng cao tại đường bờ và thời gian tới của sóng lại ngắn. Chẳng hạn, động đất với chấn cấp 7,5 xảy ra tại đới Bắc Hoàng Sa có thể tạo nên độ cao sóng thần trên 2,0 m tại Hoàng Sa; động đất với chấn cấp 7,5 độ Richter xảy ra tại đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải gây sóng thần tại Vũng Tàu (khoảng cách 42 km) cao 2,5 m chỉ sau 25 phút.

Đặc biệt theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguy hiểm sóng thần lớn nhất, đạt độ cao trên 10 m tại vùng biển Quảng Ninh và Vinh nếu xuất hiện kịch bản động đất tại Tây Hải Nam (Trung Quốc) với chấn cấp 7,5 độ Richter. Tuy vậy cực đại động đất của các đới phát sinh động đất mạnh trong phạm vị Biển Đông cần được nghiên cứu chi tiết hơn.

Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất-sóng thần năm 2011Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất-sóng thần năm 2011

Thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.900 người và khiến 2.523 người khác mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 29/3: Bộ Công An Thông Tin Mới Nhất Về Vụ Án Bà Nguyễn Phương Hằng Và Ca Sĩ Vy Oanh | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn