Việt Nam nằm trong vành đai 'sỏi tiết niệu' thế giới

08-09-2023 15:22 | Y tế
google news

Sáng 8/9, tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu ASEAN đại diện Ban tổ chức thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á - FAUA 2023.

Hội nghị có sự góp mặt của hơn 500 đại biểu là các giáo sư, bác sĩ và nhân viên y tế trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực tiết niệu, thận học và các chuyên khoa sâu như phẫu thuật robot, phẫu thuật nội soi, tạo hình trong tiết niệu, nhiễm khuẩn niệu, ung thư đường tiết niệu, ghép thận, nam khoa, niệu nữ/niệu chức năng…

Việt Nam nằm trong vành đai "sỏi tiết niệu" thế giới - Ảnh 1.

Giáo sư Samuel Vincent G. Yrastorza - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu ASEAN cũng là Chủ tịch Hội nghị FAUA 2023 đại diện Ban tổ chức thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ các nước Đông Nam Á nằm trong "vành đai sỏi" của thế giới. Thư viện Y học quốc gia Mỹ cho thấy khu vực Đông Nam Á bị sỏi tiết niệu cao trên thế giới, với tỷ lệ 5%-19,1%. Riêng Việt Nam trước đây ghi nhận có 2%-12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%.

Do đó, Hội nghị khoa học FAUA 2023 là cơ hội quý giá để các chuyên gia, bác sĩ trong nước và khu vực, thế giới gặp gỡ để trao đổi, cập nhật những xu thế mới cũng như các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiết niệu. GS Thuấn đề cao nỗ lực của Liên đoàn Tiết niệu Đông Nam Á, Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Hội Tiết niệu Thận học TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và các tổ chức quốc tế đã mang đến cơ hội quý báu để cùng nhau thảo luận, chia sẻ kiến thức, và tìm kiếm những giải pháp cụ thể trong các chiến lược phòng chống các bệnh hệ tiết niệu.

Việt Nam nằm trong vành đai "sỏi tiết niệu" thế giới - Ảnh 2.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị FAUA 2023.

Giáo sư Samuel Vincent G.Yrastorza - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA) cho biết tổ chức FAUA được thành lập từ năm 1993 nhằm thắt chặt tình bạn, tình hữu nghị, thúc đẩy đào tạo, giáo dục và nghiên cứu cùng nhau. Thật vui vì sau một thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, Hội nghị khoa học FAUA đã quay trở lại. Riêng Việt Nam thì đây là lần thứ 2 đăng cai sau 14 năm.

Việt Nam nằm trong vành đai "sỏi tiết niệu" thế giới - Ảnh 3.

Giáo sư Samuel Vincent G. Yrastorza phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị FAUA 2023.

Đại diện nước chủ nhà đăng cai tổ chức hội nghị, PGS.TS Lê Đình Khánh - Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam cho biết, những năm qua, lĩnh vực Tiết niệu Việt Nam có những tiến bộ rất lớn, đã phát triển rất tốt các kỹ thuật tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh, phục vụ cho bệnh nhân cần phấn đấu nhiều để đáp ứng được nhu cầu người dân, phải học các nước từ cách phục vụ, cách tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới…

Hội nghị khoa học FAUA 2023 là một trong những diễn đàn y tế uy tín nhất trong khu vực và toàn cầu về lĩnh vực tiết niệu và tiếng Anh được sử dụng trong 100% các báo cáo tham gia, các phiên thảo luận và trao đổi. Trong hội nghị có hơn 90 bài báo cáo về các chuyên đề khác nhau như ung thư trong tiết niệu, sỏi, những kỹ thuật ít xâm lấn (nội soi và robot), nam khoa, ghép thận… Ngoài ra, có những chuyên đề rất thời sự gắn liền với đời sống y học, được nhiều người dân quan tâm như: tạo hình đường tiết niệu, niệu nữ/niệu chức năng và niệu động lực học, viêm bàng quang kẽ và hội chứng đau bàng quang.

Trọng tâm của hội nghị năm 2023 là phần thực hiện kỹ thuật cao do các chuyên gia đầu ngành thực hiện, các ca mổ thị phạm được trình diễn ngay trong khuôn khổ hội nghị. Đây là một cơ hội lớn cho các bác sĩ tiết niệu Việt Nam được tiếp xúc với các báo cáo viên nước ngoài để cùng trao đổi kiến thức về bệnh học và phương pháp điều trị của các quốc gia lân cận, vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên - Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM kiêm Chủ tịch Danh dự Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, thành viên chủ chốt của Ban Tổ chức năm nay cho biết: "Việt Nam và các nước Đông Nam Á có nhiều điểm chung là tỷ lệ dân số mắc các bệnh về tiết niệu - thận - sỏi thuộc dạng cao của thế giới. Đó là lý do tại sao Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Đông Nam Á là chuyên ngành mạnh nhất trong các chuyên ngành về y khoa trong khu vực. Ngay cả thế giới, hàng năm đều có những hội nghị rất lớn về chuyên ngành này".

Việt Nam nằm trong vành đai "sỏi tiết niệu" thế giới - Ảnh 4.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên cùng cộng sự là BS.CKI Phan Trường Nam của khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thực hiện nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc cho bệnh nhân nam (65 tuổi, TP.HCM) bị ung thư tuyến tiền liệt.

Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4.000 ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13. Người dân Việt Nam gia tăng các bệnh tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống, thói quen uống ít nước, ăn mặn, nhiễm trùng tiết niệu, mắc các bệnh chuyển hóa, ít vận động…

Hội nghị FAUA diễn ra trong 3 ngày liên tiếp (07 - 09/09/2023) tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình).



Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn