Chiều ngày 9/4/2019, BS.CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, đã có buổi làm việc với báo chí tại TP.HCM để làm rõ việc “trao đổi huyết tương” sang châu Âu nhờ sản xuất và nhập trở lại các chế phẩm máu nhằm tránh gây xôn xao dư luận.
BS CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Huyết học Truyền máu TP.HCM
Việt Nam: Người bệnh máu vẫn còn thua “một cấp” trong điều trị
Thường quy, máu toàn phần thu nhận từ người hiến máu phải được bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt đến Ngân hàng Máu. Theo BS. CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, tại đây, Ngân hàng Máu sẽ dùng các thiết bị hiện đại để ly tâm, chiết tách ra các thành phần như hồng cầu lắng truyền cho người bệnh thiếu máu, tiểu cầu truyền cho người bệnh bị xuất huyết, hai chế phẩm từ huyết tương là kết tủa lạnh và huyết tương tươi đông lạnh để truyền cho người bệnh có rối loạn đông máu.
Nguyên tắc cơ bản của truyền máu hiện đại là chỉ sử dụng loại chế phẩm máu mà người bệnh cần. Như vậy, máu toàn phần thay vì được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại bệnh về máu như trước đây, sẽ chỉ được sử dụng khi người bệnh cần đồng thời cả hồng cầu và huyết tương, như trong ngoại khoa chảy máu cấp với số lượng mất máu 1,5 - 2 lít hay hơn nữa và một số trường hợp truyền thay máu.
Đặc biệt, hiện nay, từ huyết tương, Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất kết tủa lạnh và huyết tương tươi đông lạnh; và số lượng hoàn toàn không đủ.
Các chế phẩm từ máu đều không thể sản xuất được từ đâu ngoại trừ máu con người
Kết tủa lạnh dùng để điều trị cho bệnh nhân Hémophilie A, bệnh nhân về máu do thiếu yếu tố số I dẫn đến rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa. Huyết tương tươi đông lạnh chủ yếu chỉ định cho bệnh nhân Hémophilie B và một số rối loạn đông máu khác. Ước tính, Việt Nam 9 triệu dân có khoảng 6.000 người mắc bệnh Hémophilie, nhưng thực tế chúng ta mới chỉ quản lý hơn 3.200 người.
“3.200 bệnh nhân rối loạn đông máu Việt Nam đang được điều trị bằng hai chế phẩm trên. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người bệnh được truyền các chế phẩm đặc trị như Albumin, Gama Globumin, các yếu tố đông máu VIII (Hémophilie A) và yếu tố IX (Hémophilie B).
Các chế phẩm đặc trị này được điều chế từ chính chế phẩm huyết tương một cách kỹ lưỡng hơn và đến tận cùng, mà hiện nay Việt Nam chưa làm được. Người bệnh ở các nước tiên tiến được tận hưởng các chế phẩm từ máu một cách trọn vẹn nhất, không bỏ sót bất cứ một lợi ích nào từ máu,” BS. Chí Dũng chia sẻ.
Đảm bảo an ninh nguồn thuốc sinh học, không phụ thuộc
Vì vậy, khi đạt được GMP - EU, Ngân hàng Máu mở rộng khả năng trao đổi huyết tương này cho châu Âu và nhận lại các sản phẩm trên để điều trị trúng đích và hiệu quả nhất cho bệnh nhân bị rối loạn đông máu theo quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM. Các chuyên gia về máu cũng khẳng định, các chế phẩm sản xuất từ huyết tương tươi của nước nào sẽ được trả về lại cho bệnh nhân nước đó sử dụng.
“Trong giai đoạn đầu, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất huyết tương, thông qua các chương trình quốc tế, chúng ta có thể trao đổi, nhờ những nhà máy sản xuất huyết tương ở châu Âu điều chế huyết tương và nhập về lại các chế phẩm đặc trị hơn,” BS. Dũng giải thích rõ.
Ngân hàng Máu, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, đạt tiêu chuẩn GMP - EU bảo đảm người bệnh nhận được sản phẩm máu an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu
Theo đó, trong tương lai, Việt Nam sẽ tiến hành kêu gọi hiến huyết tương để lấy nguồn sản xuất các chế phẩm máu đặc trị hơn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Khi sử dụng nguồn huyết tương Việt Nam, chắc chắn chi phí các chế phẩm máu đặc trị sẽ rẻ hơn so với sản phẩm nhập về, từ đó chi trả bảo hiểm y tế đối với các chế phẩm đặc trị này cũng có thể giảm đến ½ so với hiện tại. Bên cạnh đó, quan trọng nhất, chúng ta đảm bảo an ninh nguồn thuốc sinh học này không phụ thuộc vào nước ngoài.
GMP - EU: Người bệnh là trọng tâm
Máu rất quan trọng đối với người bệnh mà chưa có chế phẩm sinh học nào thay thế được dù khoa học rất phát triển. Theo thống kê năm 2018, Việt Nam chỉ có 1,5% dân số hiến máu, đạt xấp xỉ 1,5 triệu đơn vị máu. Đến năm 2020, con số này phải đạt 2% nhưng số lượng máu tiếp nhận vẫn còn thiếu so với nhu cầu điều trị.
Tất cả bệnh nhân nội/ngoại/sản/nhi/ung thư… đều cần truyền các chế phẩm từ máu. Mọi sản phẩm như hồng cầu lắng, tiểu cầu, kết tủa lạnh, huyết tương tươi đông lạnh, cho đến yếu tố VII, yếu tố IX, Albumin, Gama Globulin đều không thể sản xuất được từ đâu ngoại trừ máu con người.
BV. Truyền máu Huyết học TP.HCM vừa đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) của EU, một trong những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất trên thế giới, với mục đích lấy trọng tâm người bệnh là hàng đầu.
Theo BS. Chí Dũng, GMP thiết lập các quy trình chuẩn và bắt buộc nhân viên tuân thủ các quy trình này ở mọi giai đoạn: từ vận động người hiến máu, lấy máu, vận chuyển máu, điều chế, lưu trữ và cấp phát máu đến người bệnh.
“Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Ngân hàng Máu tiếp nhận và sàng lọc 1000 - 2000 đơn vị máu. Việc tuân thủ GMP - EU càng tăng cường đảm bảo chế phẩm máu đạt chất lượng, an toàn về miễn dịch và các bệnh lây qua đường truyền máu (HIV, viêm gan B, C, giang mai…), thông qua các tiêu chuẩn sàng lọc bằng kỹ thuật huyết thanh học và cao hơn nữa là áp dụng kỹ thuật sàng lọc sinh học phân tử.
Nhờ đó tránh sai sót tối đa các chế phẩm máu, đảm bảo những sản phẩm máu an toàn cho người bệnh theo tiêu chuẩn EU; bên cạnh đó là tăng cường an toàn cho nhân viên y tế, đặc biệt những người làm trong Ngân hàng Máu, và cho cả người hiến máu,” BS. Dũng cho biết.
Bệnh nhân hemo A hay B vào viện trong tình trạng nặng, xuất huyết ồ ạt doạ chảy máu não, xuất huyết tiêu hoá cần ưu tiên các chế phẩm máu đậm đặc như cần truyền yếu tố VIII, IX. Các chế phẩm từ máu như yếu tố VIII hay yếu tố IX sau khi cô đặc sẽ có dung tích nhỏ hơn, thuận tiện giúp bệnh nhân rối loạn đông máu có thể truyền ở nhà. Trong khi đó, vì túi kết tủa lạnh hay huyết tương tươi đông lạnh có thể tích lớn khoảng 220ml trong khi truyền có thể sẽ khiến bệnh nhân nặng bị quá tải tăng nguy cơ phù phổi. Albumin được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân bị xơ gan, bệnh lý thận, suy dinh dưỡng thể phù gây phù màng tim, màng phổi không thể thở được. Gama Globulin rất quan trọng trong điều trị các bệnh lý miễn dịch. Ví dụ, những bệnh nhi tay chân miệng nặng gây suy giảm miễn dịch, nếu không có Gama Globulin, tỷ lệ tử vong có thể rất cao. |