Đó là con số của Ngân hàng Thế giới thống kê được PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đưa ra tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới 19/11 do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức tại Công viên Thống nhất Hà Nội.
Ngày 19/11 hàng năm được Liên hợp quốc lấy làm “Ngày Nhà vệ sinh thế giới” với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Việt Nam là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này.
Chung kết hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng” cũng đã được tổ chức để hưởng ứng ngày Nhà Vệ sinh thế giới, quy tụ các đội thi đến từ 5 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên và Nghệ An. Hội thi là cơ hội để chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ tới người dân nhằm nâng cao kiến thức về xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và hành vi rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch, bệnh; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về vệ sinh môi trường, thực hành bàn tay sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh phòng chống dịch, bệnh góp phần xây dựng nếp sống văn minh của xã hội.
Đại diện Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - Unicef, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thực hiện nghi thức cam kết Nâng cao điều kiện vệ sinh cho người dân Việt Nam.
Đã có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần ngăn chặn các dịch, bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, tay chân miệng, góp phần phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em. Một nghiên cứu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới đã chứng minh trẻ em sống trong cộng đồng mà tất cả mọi người đều sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có chiều cao trung bình cao hơn 3,7cm so với trẻ em sống ở cộng đồng có nhiều người còn phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.
Tại buổi mít tinh, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, lĩnh vực vệ sinh nông thôn vẫn còn nhiều thách thức. Đến hết năm 2015, mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường. Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn phổ biến.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập, làm việc, chất lượng dịch vụ và sự phát triển kinh tế. Vệ sinh môi trường yếu kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mất đi khoảng 780 triệu USD mỗi năm do vệ sinh môi trường kém.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF, ông Friday Nwaigwe đã nhấn mạnh, nhà vệ sinh là rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của nhiều căn bệnh nguy hiểm, ví dụ như tiêu chảy. Trên thế giới, hơn 800 trẻ em chết mỗi ngày do tiêu chảy mà nguyên nhân là sử dụng nước không an toàn, điều kiện vệ sinh kém. 1/3 số ca tử vong của trẻ em tại Việt Nam do suy dinh dưỡng mà nguyên nhân trực tiếp liên quan đến tiêu chảy và nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Hiện nay, với sự hỗ trợ của UNICEF, Việt Nam đã thực hiện công nhận chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi cho hơn 400 thôn/bản. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam hoàn thành chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi trên phạm vi toàn quốc như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, các cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường; việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lồng ghép với rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền tới nhiều hộ gia đình, nhiều người dân, giúp nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về vệ sinh môi trường, thực hành bàn tay sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hy vọng rằng, với các hoạt động truyền thông cụ thể và thiết thực cùng với sự tham gia, ủng hộ của các bộ, ban ngành, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, thúc đẩy tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân.