Hà Nội

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc trồng rau trên đảo Phú Lâm

28-05-2020 18:13 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trước tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề quốc gia này trồng rau tại các thực thể trên Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã cho biết , mọi hoạt động tại Hoàng Sa, Trường Sa không được sự cho phép của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 28/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc sử dụng công nghệ mới trồng và thu hoạch rau trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật quốc tế.  Mọi hoạt động của các bên tại 2 quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 19/5 đưa tin binh sĩ Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã thu hoạch được hơn 750kg rau xanh nhờ vào công nghệ giúp trồng rau trên cát.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt


* Về vấn đề khả năng Quốc hội Việt Nam thông qua các hiệp định EVFTA và EVIPA tại kỳ họp đang diễn ra, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết:

Sau quá trình đàm phán tích cực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), thông qua các cơ chế trao đổi, đối thoại giữa EU và các ban, bộ, ngành của Việt Nam, ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Mới đây nhất, ngày 30/03, Hội đồng Châu Âu đã chuẩn y quyết định phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu, hoàn thành thủ tục lập pháp nội bộ của EU đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVIPA còn phải qua thủ tục phê chuẩn của Nghị viện các quốc gia thành viên.

Các Hiệp định này là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu.

Dự kiến trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét và tiến hành phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA.

* Sau dịch bệnh COVID-19, chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế đang là ưu tiên của Chính phủ. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều dấu hiệu sẽ có làn sóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển dịch từ Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó Việt Nam là một trong những địa điểm triển vọng, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

“Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế.

Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng COVID-19 như: Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như dịch vụ giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm các thủ tục chi phí cho doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng, logistic; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả”.

*Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết thời điểm Việt Nam mở lại việc giao thông, giao thương với quốc tế, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cơ quan liên quan đang nghiên cứu để đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay, phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại và đầu tư, phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới.

*Khi phóng viên đề nghị đưa ra bình luận về việc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa 13 đã biểu quyết thông qua Quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc về việc thiết lập kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi bảo vệ an ninh quốc gia tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

“Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Hong Kong. Lập trường của Việt Nam về tình hình Hong Kong đã được nêu rõ, Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách một nước hai chế độ của Trung Quốc, các vấn đề liên quan tới Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam luôn mong muốn tình hình Hong Kong được ổn định và phát triển thịnh vượng”.


Hải Yến
Ý kiến của bạn