Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 31/3, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội nước ta có nữ Chủ tịch. Cùng ngày, Quốc hội thực hiện quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội
Bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Kết quả kiểm phiếu có: 472/484 đại biểu biểu quyết tán thành, bằng 95,5% tổng số đại biểu Quốc hội, bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội; có 462/484 đại biểu biểu quyết tán thành, bằng 94,5% tổng số đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Cùng đó, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
Phát biểu tuyên thệ nhậm chức, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã bầu đồng chí giữ chức Chủ tịch Quốc hội. “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kể từ giờ phút này luôn khắc ghi lời tuyên thệ của mình để thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, phát huy truyền thống của những người đi trước cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và thay mặt Quốc hội tặng bó hoa tươi thắm cùng tình cảm trân trọng về những đóng góp đầy tâm huyết của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Giới thiệu Đại tướng Trần Đại Quang vào vị trí Chủ tịch nước
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về đề nghị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước và thực hiện bỏ phiếu kín để miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước. Theo kết quả được Ban kiểm phiếu công bố, việc miễn nhiệm này được 90,49% đại biểu Quốc hội tán thành, 5,26% không tán thành. Cụ thể, có 447/474 đại biểu có mặt đồng ý. Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới (dự kiến vào ngày 2/4). Ông Trương Tấn Sang vẫn giữ chức Chủ tịch nước cho đến khi bầu được người mới đảm nhiệm vị trí này. Người được giới thiệu để ứng cử chức danh Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do yêu cầu sắp xếp, bố trí công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác cán bộ,... Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội chấp thuận, xem xét miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang.
Trước đó, trong sáng 22/3, báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thẳng thắn thừa nhận với vai trò là người đứng đầu nhà nước về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước có phần trách nhiệm với những yếu kém của đất nước hiện nay. Theo Chủ tịch nước, trong lĩnh vực tư pháp, vẫn còn hiện tượng xuống cấp trong đội ngũ cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức và yếu kém nghiệp vụ; cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra giám sát, thực hiện vốn vay ODA chưa hiệu quả.
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 1/4, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch sử dụng đất 2016-2021.