Hà Nội

Việt Nam lần đầu cắt thận người cho sống bằng kỹ thuật robot

28-06-2018 07:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ BV Chợ Rẫy cho biết vừa áp dụng kỹ thuật robot để mổ lấy hai quả thận từ hai người cho sống sau đó ghép bằng cách mổ hở thông thường cho hai bệnh nhân suy thận mạn tính. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lấy thận bằng kỹ thuật robot và cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á lấy thận ghép bằng kỹ thuật này.

PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết Niệu, BV Chợ Rẫy cho biết, người đầu tiên được lấy thận bằng kỹ thuật robot, sinh năm 1965. Quả thận của ông này sau đó được các bác sĩ mang đi ghép bằng phương pháp mổ hở thông thường cho bệnh nhân suy thận mạn tính sinh năm 1963 (anh họ của người hiến thận).

Trường hợp thứ hai được lấy thận bằng kỹ thuật robot là người đàn ông 50 tuổi. Quả thận sau đó được ghép bằng con gái ruột của người hiến vốn đang sống trong cảnh phải chạy thận nhân tạo.

Ca lấy thận thứ nhất được mổ ngày 16/5, thời gian lấy thận mất 4 giờ đồng hồ. Ca thứ hai mổ ngày 20/6 với thời gian lấy thận trong 3h45’. “Người hiến thận chỉ có 3 lỗ mổ nhỏ ở bụng và vết rạch nhỏ ở vùng bẹn để lấy thận. Cả hai ca đều mất rất ít máu, không cần truyền máu lúc mổ. Đặc biệt thời gian nằm viện chỉ trong 2 ngày, trong khi mổ mở, phải nằm khoảng từ 5 đến 7 ngày”, BS Sâm nói. Về phía người nhận thận, hiện chức năng quả thận sau ghép đã khỏe mạnh, chức năng thận hoàn toàn bình thường chỉ từ một đến hai ngày sau ghép.

Các bác sĩ BV Chợ Rẫy đang thực hiện việc cắt thận bằng sự hỗ trợ của robot

Theo TS Sâm, phẫu thuật bằng robot đã có trên thế giới từ thập niên 80 của thế kỷ trước, tuy nhiên khi ấy kỹ thuật này vẫn còn thô sơ. Đến năm 2002, một số nước đã bắt đầu dùng kỹ thuật robot để nội soi ổ bụng lấy thận ghép cho người cho sống. Mỹ và châu Âu hiện đã áp dụng kỹ thuật này rộng rãi.

Tại Việt Nam, kỹ thuật mổ bằng robot có từ năm 2014. Riêng TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân là hai cơ sở y tế đầu tiên áp dụng kỹ thuật này, trong đó từ tháng 3/2017 đến nay, BV Chợ Rẫy đã có 68 ca được phẫu thuật bằng kỹ thuật robot với 27 trường hợp bệnh lý tiết niệu, tất cả các ca mổ đều thành công.

“Ưu điểm của mổ bằng robot chính là tính an toàn, thẩm mỹ, giảm mất máu, ít đau khi mổ, phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện. Kỹ thuật cũng giúp bác sĩ điều khiển mổ ở các vùng sâu, vốn là những vị trí khó thực hiện bằng mổ nội soi thông thường. Ngoài ra, phẫu thuật bằng robot còn giúp các phẫu thuật viên nhìn thấy rõ các mạch máu, tư thế ngồi mổ thoải mái cũng giúp giảm áp lực cho người mổ chính”, BS Sâm nói.

Mang nhiều ưu điểm, tuy nhiên tại Việt Nam, hạn chế lớn nhất của kỹ thuật phẫu thuật bằng robot là chi phí cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Hiện mỗi ca lấy thận ghép có chi phí khoảng 100 triệu đồng, cao gấp hai lần so với lấy thận ghép bằng mổ nội soi thông thường.

 


Thiên Chương
Ý kiến của bạn