Mối quan hệ Nga- Việt có tính chất đặc biệt
Ngày 25/12, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam A. G. Kovtun đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện với báo giới về vai trò của nước Nga trên trường quốc tế cũng như sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Xin ngài có thể nhận định về vai trò của nước Nga trong các vấn đề nổi lên của thế giới?
Nga vẫn tiếp tục lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2013 là một cột mốc quan trọng về chính sách đối ngoại của Nga. Như Tổng thống Vladimir Putin nhận định, trong điều kiện sự phát triển của thế giới ngày càng trở nên mâu thuẫn, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, Nga đã hành động một cách kiên quyết, thấu đáo và cân nhắc kỹ càng, xứng tầm một quốc gia lớn và có trách nhiệm.
Tháng 2 năm nay Tổng thống Nga đã ra sắc lệnh phê chuẩn quan điểm đổi mới về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, đề ra những nguyên tắc cơ bản về đường lối của nước Nga trên trường quốc tế. Trong số đó có nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, tuyệt đối đảm bảo giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không chấp nhận các biện pháp can thiệp bằng vũ lực vào những cuộc khủng hoảng.
Vào tháng 9 năm nay tại Xanh Pê-téc-bua đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G-20, tại đó thông qua một loạt các sáng kiến đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, thúc đẩy phát triển toàn cầu. Sang năm 2014 Nga sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội nghị G-8. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2015.
Năm 2013, nhờ sự phối hợp của chúng tôi với các đối tác quốc tế đã đạt được động thái tích cực về vấn đề Syria và Iran. Lập trường tích cực của Nga đã góp phần đạt được các giải pháp m ang tính đột phá và triển khai công việc thực tiễn để đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát quốc tế nhằm mục đích tiêu hủy nó. Đường lối sáng kiến của ngành ngoại giao Nga đã đóng vai trò quan trọng đảm bảo thành công của các cuộc đàm phán tại Geneve về chương trình hạt nhân của Iran.
Quan hệ với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng phát triển. Việc Nga mở rộng hợp tác sang hướng Thái Bình Dương, nâng tầm khu vực Sibiri và Viễn Đông – là ưu tiên quốc gia của Nga trong cả thế kỷ XXI. Chính vì vậy nền hòa bình và hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoàn toàn phù hợp với lợi ích của chúng tôi. Sáng kiến của Nga được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Brunei về khởi động công việc soạn thảo các nguyên tắc khung nhằm xây dựng một kiến trúc khu vực mới chính là nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh tại khu vực thế giới này.
Tình hữu nghị Việt- Nga vững vàng qua năm tháng
Ngài đánh giá thế nào về kết quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam?
Thúc đẩy hợp tác với Việt Nam vẫn là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á. Chúng tôi và các bạn đã được chứng kiến sự phát triển hết sức năng động của quan hệ song phương trong năm qua. Đã diễn ra một loạt cuộc tiếp xúc vô cùng quan trọng ở cấp cao và cấp cao nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thăm Nga vào tháng Ba. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng Năm đã đạt kết quả rất tốt đẹp. Và chắc chắn rằng sự kiện chủ chốt trong năm 2013 chính là chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vào ngày 12 tháng 11.
Việc trao đổi ý kiến diễn ra trong các cuộc tiếp xúc song phương một lần nữa khẳng định tính chất sâu sắc trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và quyết tâm của cả hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương. Quan hệ hợp tác Nga - Việt dựa trên nền tảng lịch sử vững chắc, nổi bật nét đặc trưng là sự tương đồng lợi ích lâu dài của hai nước một cách tự nhiên và mức độ tin cậy cao.
Quyết tâm nói trên được củng cố bởi sự phát triển năng động của các mối quan hệ trên thực tiễn. Tôi xin nêu một ví dụ nhỏ - trong chuyến thăm của Tổng thống V. V. Putin sang Việt Nam đã có tới 18 văn bản song phương được ký kết. Tôi nghĩ rằng quyết tâm của các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước phấn đấu đạt được sự hợp tác hiệu quả - đó chính là chỉ số quan trọng chứng tỏ sự chín muồi trong quan hệ hợp tác giữa chúng ta.
Kết quả 10 tháng đầu năm 2013 giá trị kim ngạch thương mại song phương theo số liệu thống kê của Hải quan Nga đạt 3,15 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (2%). Giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Nga từ Việt Nam tăng 20,5% (2,24 tỷ USD). Đồng thời giá trị xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam giảm gây lo ngại (911,2 triệu USD, giảm 26%). Tôi hy vọng chúng ta có thể khắc phục xu hướng này để đạt được sự tăng trưởng cân bằng, tăng các chỉ số thương mại song phương nói chung. Như các bạn đã biết, lãnh đạo hai nhà nước đã đề ra mục tiêu lớn là đưa kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.
Việc thực hiện nhiệm vụ này liên quan trực tiếp đến triển vọng ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan ) và Việt Nam. Việc bắt đầu tiến trình đàm phán đã được công bố vào tháng 3 năm nay tại Hà Nội với sự có mặt của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á-Âu - cơ quan điều phối cao nhất của Liên minh Hải quan - là ông Viktor Khristenko, và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Cho đến nay hai bên đã tiến hành được bốn vòng tham vấn, vòng tham vấn mới nhất vừa kết thúc cách đây chưa lâu tại Đà Nẵng. Hai bên đều làm việc với tinh thần nghiêm túc nhất, quyết tâm xây dựng nhanh nhất một văn bản hiệp định mang tính tổng hợp và cân bằng, mà khi được ký kết sẽ không chỉ khuyến khích tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương, mà còn có tác dụng góp phần phát triển thương mại dịch vụ, tăng cường đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Liên minh Hải quan hiện đang ở trên ngưỡng cửa mở ra một giai đoạn hội nhập kinh tế mới, chuyển đổi sang hình thức mới – đó là sự xuất hiện của Liên minh Kinh tế Á-Âu. Việc hiệp ước tương ứng sẽ được ký kết vào năm 2014 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2015 sẽ đánh dấu sự chuyển đổi sang mức độ hội nhập tiếp theo, sâu sắc hơn, giữa ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan. Chúng tôi rất hy vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành đối tác nước ngoài đầu tiên mà các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu ký kết thỏa thuận thiết lập chế độ thương mại ưu đãi.
Trước sau như một chúng ta mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục mà cả hai bên coi là "đầu tư vào tương lai". Trên phương diện này tiêu biểu là trong năm nay Việt Nam là nước được cấp hạn ngạch học bổng lớn nhất (không kể các nước SNG) về đào tạo cán bộ tại các trường đại học của Nga. Tổng cộng hiện nay có gần 5 nghìn công dân Việt Nam đang theo học ở Nga, trong số đó gần 2 nghìn sinh viên – là thuộc diện đi học theo kênh nhà nước. Một dự án quan trọng trong lĩnh vực này – thành lập trường Đại học công nghệ Việt-Nga, là trường mà sẽ trở thành một trong những trường đại học và trung tâm nghiên cứu hàng đầu với quy mô khu vực.
Dấu ấn quan trọng nhất của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Liên bang Nga-Việt Nam là gì, thưa Ngài?Ấn tượng của ngài Tổng thống Putin, người đã từng đứng đầu danh sách người quyền lực nhất thế giới đối với Việt Nam như thế nào?
Liên bang Nga là quốc gia đầu tiên thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam vào năm 2001. Kể từ đó đến nay, đã chứng kiến rất nhiều chuyến thăm cấp cao của các nguyên thủ quốc gia hai nước sang nhau. Đối với Tổng thống Nga Putin, đây là lần thứ 3 ông sang thăm Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Trong chuyến công du nước ngoài lần này, Tổng thống Putin chỉ tới hai quốc gia là Việt Nam và Hàn Quốc. Điều đó chứng tỏ Việt Nam có vị trí quan trọng thế nào đối với nước Nga. Mỗi lần sang thăm Việt Nam, ông Putin đều có ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước con người Việt Nam. Riêng đối với Thủ tướng Medvedev, Việt Nam để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng ông bởi cha ông còn là người thầy của nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam tại Nga. Việt Nam đối với ông thực sự đã để lại rất nhiều kỷ niệm từ thưở ấu thơ.
Mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai nước đã phát triển và mở rộng trên mọi lĩnh vực, trong đó có y tế. Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã kỷ niệm 25 năm ngày thành lập vào tháng 3 năm 2013 và không ngừng khẳng định vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này. Qua những năm hoạt động tại Hà Nội, Bệnh viện mắt quốc tế Việt-Nga - khai trương vào năm 2009, đã dành được uy tín cao. Chuyến thăm của Tổng thống Putin tháng 11 vừa qua cũng ghi dấu ấn bởi các văn kiện ký kết trong lĩnh vực y tế.
Tôi tin rằng, không ai có thể nghi ngờ về sự phát triển thực sự toàn diện các mối quan hệ Nga-Việt theo nhiều hướng đi quan trọng. Đồng thời mối quan hệ giữa chúng ta được đặc trưng bởi sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các truyền thống của nhau và tình cảm quý mến sâu sắc lẫn nhau. Tôi hy vọng, những xu hướng tích cực hiện có trong mối quan hệ giữa chúng ta sẽ được hai bên tiếp tục nỗ lực phát triển và ủng hộ. Điều này hết sức quan trọng vì sự phát triển các mối quan hệ nhiều mặt giữa Nga và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cả hai quốc gia chúng ta, giúp cho sự tiến bộ kinh tế và công nghệ của hai nước, góp phần vào việc củng cố hòa bình và ổn định tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bích Vân (bài, ảnh)
Dấu ấn Nga trong văn hoá Việt Nam
LB Nga hợp tác sản xuất chế phẩm từ huyết tương với Việt Nam
Giai điệu Việt Nam vang xa trên vùng Cực Bắc nước Nga