Hà Nội

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai hệ thống dự báo sốt xuất huyết

18-11-2019 11:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dự báo sốt xuất huyết (SXH) dựa trên dữ liệu vệ tinh được khởi xướng đầu tiên tại Việt Nam và được thí điểm ở 4 tỉnh của Việt Nam. Đây là mô hình tích hợp các dữ liệu được quan trắc từ vệ tinh như sự sẵn có nước, lượng mưa và nhiệt độ kết hợp với các dữ liệu về tỷ lệ mắc SXH để dự báo sớm trước vài tháng khả năng bùng phát dịch SXH ở phạm vi huyện, tỉnh và khu vực.

Đây là thông tin tại  Hội thảo khu vực họp bàn về việc mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết từ Việt Nam sang một số nước khác khu vực Châu Á vào sáng ngày 18/11/2019 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phối hợp cùng một liên minh đối tác do HR Wallingford đứng đầu tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, Sở Y tế các tỉnh thành tham gia dự án như Hà Nội, Đắc Lắc, Đồng Nai và Khánh Hòa;  các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế từ các nước như Campuchia, Lào, Philippines, Sri Lanka, Bangladesh.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Y tế dự phòng cho biết sốt xuất huyết (SXH) là bệnh dịch do virrus từ muỗi gây ra và có tốc độ lây truyền nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ mắc SXH đã tăng rất nhanh trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Tỷ lệ mắc SXH tăng rất nhanh trên toàn thế giới, tăng 30 lần trong 50 năm qua. Trước năm 1970, chỉ có 9 nước có dịch SXH nghiêm trọng xảy ra. Dịch SXH giờ đây đã lan truyền ra hơn 140 nước với khoảng 390 triệu người bị ảnh hưởng hàng năm. Dịch SXH không những tăng về số ca mắc mà còn lan truyền ra các khu vực mới và bùng phát nhiều vụ dịch.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phụ trách, quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Yến

Đến nay SXH đã trở thành vấn đề không chỉ các quốc gia trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Riêng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, SXH đã trở thành bệnh lưu hành trong nhiều năm qua. Trong 10 tháng vừa qua của năm 2019, nhiều quốc gia đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc SXH ở các nước trong đó cũng có hàng trăm ca tử vong do SXH.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100%. Năm 2017, Việt Nam hứng chịu một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, ảnh hưởng tới 170.000 người và 38 ca tử vong. Mặc dù tình hình dịch tễ sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây nhưng hiện vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết trước 6 tháng.

Ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh, mô hình dự báo SXH sử dụng số liệu về khí tượng thời tiết thông qua các vệ tinh quan sát trái đất kết hợp với số liệu về bệnh SXH là một sáng kiến mang tính khoa học được kỳ vọng sẽ mang đến một công cụ mới giúp ích cho công tác dự báo sớm SXH qua đó giúp cho việc phòng chống SXH trong tương lai một cách hiệu quả và bền vững hơn. Sáng kiến này đã được các chuyên gia quốc tế, các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao và triển khai thí điểm tại một số tỉnh ở Việt Nam.

Dự án phát triển hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh, hay còn gọi là hệ thống D-MOSS là hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu về thời tiết, hệ thống chạy trên nền tảng web có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phụ trách, quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng và bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chủ trì buổi hội thảo. Ảnh: Hải Yến

Ông Đặng Quang Tấn cho hay:  “Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến và sự hỗ trợ kĩ thuật mà dự án mang lại. Đây là sáng kiến đầu tiên được hình thành và thử nghiệm trên thế giới, và đã quy tụ hàm lượng lớn chất xám khoa học từ nhiều tổ chức quốc tế và trong nước. Thông tin mà các quốc gia chia sẻ đóng góp một phần quan trọng vào nỗ lực chung của khu vực trong việc ứng phó với dịch sốt xuất huyết bởi vì dịch sốt xuất huyết không có biên giới địa lý giữa các quốc gia”.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được triển khai mô hình này. Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng hy vọng đây sẽ là một công cụ giúp cho các quốc gia triển khai công tác dự báo sớm cũng như triển khai công tác phòng ngừa và phòng chống SXH ở quốc gia đó.

Hệ thống D-MOSS được giới thiệu ở 7 quốc gia bao gồm Bangladesh, Cambodia, CHDCND Lào, Malaysia, Philippines, Sri Lanka và Thái Lan. Tại hội thảo, đại diện của 7 quốc gia đã trình bày về hệ thống và các phương pháp mà các quốc gia này hiện đang sử dụng trong việc theo dõi và phòng chống sốt xuất huyết.

Hội thảo khu vực họp bàn về việc mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết

Phát biểu tại Hội thảo, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho  biết: “Dự báo SXH dựa trên dữ liệu vệ tinh được khởi xướng đầu tiên tại Việt Nam và được thí điểm ở 4 tỉnh của Việt Nam. Đây là mô hình trên nền tảng web, tích hợp các dữ liệu được quan trắc từ vệ tinh như sự sẵn có nước, lượng mưa và nhiệt độ kết hợp với các dữ liệu về tỷ lệ mắc SXH để dự báo sớm trước vài tháng khả năng bùng phát dịch SXH ở phạm vi huyện, tỉnh và khu vực" .

Dự báo SXH dựa trên dữ liệu vệ tinh (gọi tắt là D-MOSS) được khởi xướng đầu tiên tại Việt Nam và được thí điểm ở 4 tỉnh của Việt Nam. Đây là mô hình trên nền tảng web, tích hợp các dữ liệu được quan trắc từ vệ tinh như sự sẵn có nước, lượng mưa và nhiệt độ kết hợp với các dữ liệu về tỷ lệ mắc SXH để dự báo sớm trước vài tháng khả năng bùng phát dịch SXH ở phạm vi huyện, tỉnh và khu vực.

Hải Yến
Ý kiến của bạn