Có ý kiến cho rằng nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là do hóa chất diệt ấu trùng muỗi có trong nước sinh hoạt tại Brazil. Tại cuộc họp về dịch bệnh Zika sáng ngày 16/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam không sử dụng hóa chất pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống. Tại Việt Nam hóa chất này chỉ được sử dụng trong nước thải, nước công trình xây dựng.
Chưa thể khẳng định hóa chất diệt muỗi pyriproxyfen gây chứng đầu nhỏ
Dịch bệnh do virut Zika tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước khu vực châu Mỹ, vùng Carribe. Mối liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ ở trẻ và thuốc diệt muỗi là quan ngại mới đưa lên gần đầy. Loại hóa chất được sử dụng là pyriproxyfen - diệt ấu trùng muỗi. Phát biểu tại cuộc họp của Văn phòng đáp ứng dịch bệnh sáng 16/2, ông Tony Mount, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Mỹ (CDC) tại Việt Nam cho rằng, vấn đề này đang được tiến hành điều tra và chưa có kết luận rõ ràng. Việc dùng thuốc diệt ấu trùng muỗi tại Brazil đã áp dụng thời gian khá dài tại vùng có dịch sốt xuất huyết và sốt rét.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo cuộc họp ngày 16/2.
Theo chuyên gia này, 2 vấn đề nổi cộm có thể liên quan đến virut Zika hiện nay là hội chứng đầu nhỏ và viêm đa rễ thần kinh đang tiếp tục được điều tra. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng nhưng vẫn chưa thể khẳng định virut Zika liên quan đến 2 hội chứng này. Hóa chất pyriproxyfen dùng ở tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì Brazil.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), hóa chất pyriproxyfen được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2010, nhưng đến năm 2013 mới có hóa chất nhập vào và sử dụng trong phạm vi hẹp. Hóa chất này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng, được dùng tại tất cả các quốc gia. Đến nay Việt Nam đã nhập khoảng 9.500kg hóa chất này và trong quá trình sử dụng không ghi nhận báo cáo nào bất thường.
Thứ trưởng Long chỉ đạo Cục Quản lý môi trường cần giám sát, liên hệ chặt chẽ với WHO, CDC Hoa Kỳ và các cơ quan quốc tế, nếu phát hiện bất kỳ mối liên quan nào giữa hóa chất trên và hội chứng đầu nhỏ thì ngay lập tức Việt Nam sẽ dừng việc sử dụng hóa chất này.
Mở rộng giám sát, lấy mẫu tìm xem Zika đã có tại Việt Nam hay chưa
Đến thời điểm này 44 quốc gia vùng lãnh thổ xuất hiện virut Zika. Một số quốc gia bước đầu ghi nhận các ca tử vong do virut Zika như: Venezuela 2 ca, Brazil 3 ca. Tại Mỹ cũng ghi nhận 2 thai phụ bị sảy thai sau khi nhiễm virut Zika, có tiền sử đi du lịch đến khu vực châu Mỹ đang có dịch. Về đường truyền, ngoài muỗi, một số quốc gia ghi nhận một số đường lây truyền khác nhưng vẫn cần xác minh. Như tại Brazil ghi nhận ca bệnh lây truyền qua máu, Mỹ cũng lần đầu tiên xác nhận lây qua đường tình dục, ông Tấn cho biết. Bộ Y tế nhận định khả năng xâm nhập của Zika vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, có khả năng gây thành dịch. Nhưng đến thời điểm này chưa trường hợp nào được khẳng định nhiễm virut tại Việt Nam. Vì thế, hiện Việt Nam đang mở rộng giám sát ca bệnh, triển khai lấy mẫu để tìm xem Zika đã có tại Việt Nam hay chưa. Ngày 15/2, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc lấy hơn 1.000 mẫu ở 8 điểm giám sát để xét nghiệm, đầu tuần sau sẽ có kết quả.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW nhấn mạnh virut Zika xuất hiện rất lâu, có lẽ phân chia theo sinh thái cùng là muỗi Ades truyền nhưng sống ở mỗi châu lục có thể truyền bệnh khác nhau. “Việc điều tra cộng đồng để tìm xem Zika đã có tại Việt Nam hay chưa. PGS. Kính cũng đề xuất Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống sản khoa nhập cuộc; trong quá trình siêu âm thai, nếu thấy não bé hơn tuổi thai nghi ngờ, có thể xét nghiệm để tìm nguyên nhân, đánh giá hậu quả. Trường hợp cần thiết phải chỉ định đình chỉ thai nghén. Để đến khi sinh trẻ ra mới phát hiện mắc hội chứng đầu nhỏ thì khó can thiệp. Ngoài ra, trong hệ thống giám sát bệnh bại liệt mà Việt Nam đang duy trì, nếu phát hiện các ca viêm đa rễ thần kinh cũng cần báo cáo”- ông Kính đề xuất.
Tuy nhiên, ông Kính cũng thẳng thắn: “Đừng mải mê quá với virut Zika, chúng ta không chủ quan, không quá thờ ơ nhưng không quên các bệnh khác như bệnh tay - chân - miệng ảnh hưởng đến não rất nhiều”. Chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho rằng việc truyền thông cần đúng tính chất, đúng mức độ; không đến mức khiến người dân thêm hoang mang trong khi đang còn các bệnh khác. Hiện nay khá nhiều bệnh viện sản khoa, bệnh viện nhi tiến hành sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Vụ sẽ tiến hành tập huấn sớm cho các cán bộ sản khoa kiến thức về virut Zika, cũng như mối liên quan đến hội chứng đầu nhỏ, trước mắt tập trung vào các điểm quan trọng.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu ngay tuần sau tiến hành tập huấn này; đồng thời mở rộng hơn nữa đối tượng giám sát, không chờ bệnh nhân vào viện. Những người đi từ vùng có dịch trở về dù có hay không có triệu chứng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đến các cơ quan y tế lấy mẫu để có thể chủ động giám sát sớm...