Hay đã qua đỉnh dịch để nhận biết rõ tình hình diễn biến dịch đang ở giai đoạn nào. Vậy còn Việt Nam? Chúng ta đã đi qua đỉnh dịch hay chưa? Và Việt Nam đang ở đâu giữa dịch COVID-19?
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia ngành nhiễm: TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện ( BV) Chợ Rẫy; BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; và BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng I về vấn đề này.
BS. Trương Hữu Khanh
Việt Nam đang ở đâu trong đại dịch COVID - 19 của toàn cầu, thưa bác sĩ?
BS. Trương Hữu Khanh: Chúng ta đang ở vào thời điểm các nước xung quanh vẫn có bị dịch bệnh COVID - 19 hoành hành. Thứ hai, ngoài cộng đồng có khả năng còn bệnh. Về vấn đề, các quốc gia chung quanh có bệnh, chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp cách ly kiểm dịch để ngăn chặn nguồn bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Còn vấn đề ngoài cộng đồng có thể có khả năng tồn tại bệnh, chúng ta vẫn phải luôn luôn tăng cường phòng ngừa. Vậy thôi, không có cách nào khác!
TS.BS Lê Quốc Hùng: Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nhất có bệnh nhân COVID - 19 sau khi dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán. Sau khi chúng ta đã dập tắt được dịch bệnh bùng lên trong giai đoạn 1, chúng ta đã đạt được mục tiêu khống chế số người nhiễm bệnh thấp nhất có thể và chưa để ai tử vong. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta đang đối mặt với mối lo ngại chính là virus lây lan trong cộng đồng, nghĩa bất cứ ai quanh ta cũng có thể là người mang virus chưa phát bệnh; kèm theo nhiều nguy hiểm khác như: bệnh có thể lây truyền trong thời gian người nhiễm không triệu chứng, thời gian ủ bệnh có khả năng kéo dài hơn 14 ngày, xuất hiện những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã điều trị khỏi trong khi vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu vẫn chưa có…
Như vậy, chúng ta đã chạm đỉnh dịch chưa, hay đã đi qua đỉnh dịch rồi?
BS Trương Hữu Khanh: Việt Nam không “thả” để dịch bệnh phát triển một cách tự nhiên nên không có đỉnh dịch COVID - 19 được. Bây giờ nếu hỏi chúng ta đã qua đỉnh dịch chưa? Câu trả lời là, vì chúng ta không có đỉnh nên sẽ không có qua đỉnh dịch. Chúng ta đã khống chế, ngăn chặn dịch ngay từ đầu. Do vậy, hiện nay, chúng ta không tìm thấy đỉnh. Đường đô thị biểu hiện dịch của Việt Nam là đi “là là” tùy theo sự can thiệp của con người. Người ta nói đến đỉnh dịch là quá tầm tay can thiệp của con người hoặc người ta để bệnh phát triển tự nhiên mới tạo nên đỉnh dịch.
BS.CKII Nguyễn Thanh Phong: Việt Nam hiện có số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều so với các nước khác, và đặc biệt đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID - 19, nhưng dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong
Nếu đề cập đến khái niệm “làm dẹp đỉnh dịch”, chúng ta nên hiểu như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh: Dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay vẫn đang được “khống chế” do vậy để làm dẹp đỉnh dịch, con người vẫn phải can thiệp.
Đơn cử như Mỹ hay bất cứ một nước châu Âu nào đó, hiện con số nhiễm bệnh đang tăng theo tự nhiên phát triển bệnh, và sẽ còn tăng nữa; số ca tử vong có thể sẽ còn nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta mới cần giãn cách ra để làm dẹp biểu đồ bệnh, khiến cho đường biểu diễn bệnh đi ngang, sau đó mới xuống từ từ, chứ không thể đột ngột xuống dốc. Sau đó, chúng ta chờ mùa thay đổi đi để đánh giá bản chất của virus.
Còn nếu chúng ta chờ không được, đường biểu diễn bệnh cứ đi ngang hoài, chúng ta cần can thiệp bằng vắc xin. Thế giới đang cân nhắc xem xét, nếu tình hình tháng 5 tháng 6 tháng 7, dịch vẫn không xuống nổi, đến tháng 9, các nước buộc sẽ đưa vắc xin vào, không thể chờ thêm nữa.
Vậy chúng ta có dự đoán khi nào hết dịch không, thưa bác sĩ?
BS Trương Hữu Khanh: Thứ nhất, chúng ta làm tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách quyết liệt mới có thể không còn bệnh nhân tại Việt Nam. Còn nếu chúng ta lơ là, dịch bệnh COVID - 19 luôn thừa cơ hội sơ hở tấn công vào cộng đồng và mới xuất hiện xu hướng tự nhiên của đỉnh dịch.
Với kết quả nghiên cứu của ĐH Harvard (Mỹ) vừa công bố trên tạp chí Science, cho rằng dịch có thể kéo dài đến năm 2022, điều đó chưa chắc. Hiện nay, muốn chứng minh điều đó, chúng ta phải coi khả năng miễn dịch của con virus này với yếu tố thời tiết như thế nào. Cho đến nay, vẫn chưa hình thành yếu tố thời tiết rõ ràng ảnh hưởng đến con virus.
TS.BS Lê Quốc Hùng
TS.BS Lê Quốc Hùng: Điều chúng ta có thể hy vọng, trong quá trình phát triển, virus gây bệnh phải trải qua nhiều vòng đời, trong những vòng đời đó sẽ xuất hiện các đột biến có thể dẫn đến giảm độc lực ở những thế hệ tiếp theo. Vì vậy, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc càng lâu, vòng đời của virus càng nhiều, đột biến càng có cơ hội xảy ra dẫn tới khả năng lây truyền, độc lực của chúng cũng giảm đi.
Đến một lúc nào đó, có thể virus này vẫn tồn tại nhưng không còn gây bệnh hay chỉ gây ra thể bệnh nhẹ như cúm mùa hàng năm.
BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong: Mọi tình huống phòng chống dịch, chúng ta đều không được lơ là, chủ quan bởi diễn tiến dịch rất phức tạp và khó lường. Tôi nghĩ, giãn cách xã hội và tuân thủ quy định phòng dịch rất quan trọng vào công cuộc chiến thắng dịch bệnh. Đặc biệt là trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng, cần tự giác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây lan.