TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), cho biết, dịch vụ PrEP sẽ được triển khai tại 11 tỉnh vào năm 2020. Với mục tiêu đạt 7.300 người đăng ký sử dụng dịch vụ, VAAC mong muốn sẽ cung cấp dịch vụ này tới tất cả những người có nhu cầu trên toàn quốc.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) mong muốn sẽ cung cấp dịch vụ PrEP tới tất cả những người có nhu cầu trên toàn quốc (Nguồn: USAID VietNam)
Trước thềm ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS năm nay 1/12/2018, ngày 30/11/2018, tại TP.HCM, Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và PATH, một tổ chức phi chính phủ toàn cầu về y tế, đã công bố triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp.
Khi một người phơi nhiễm HIV, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm này giúp ngăn virus phát triển thành ca nhiễm vĩnh viễn. PrEP cực kỳ hiệu quả nếu được dùng đúng cách và có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV lên tới 92% hoặc cao hơn. Việc mở rộng dịch vụ PrEP là cần thiết để Việt Nam có thể giảm mạnh số ca lây nhiễm mới.
“Khởi động dịch vụ PrEP trên toàn quốc tại Việt Nam là một mục tiêu lâu dài của chương trình PEPFAR và USAID,” bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, phát biểu. “Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết của Bộ Y tế đối với chiến lược phòng chống HIV mang tính đột phá này cũng như năng lực của Bộ Y tế trong trong việc dẫn dắt những đổi mới, sáng tạo trong công tác phòng chống HIV. Thông qua hợp tác với USAID trong thí điểm và mở rộng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc, các mục tiêu thanh toán HIV vào năm 2030 đang ngày càng gần hơn.”
Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, bà Mary Tarnowka (Ảnh: USAID VietNam)
VAAC, USAID và tổ chức PATH đã tiến hành thí điểm dịch vụ PrEP từ tháng 6/2017 thông qua dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường của USAID do PATH thực hiện. Dự án này cũng hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNAIDS - Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS và các đối tác khác trong chương trình PEPFAR để hỗ trợ VAAC xây dựng một bộ văn bản toàn diện bao gồm các chính sách, hướng dẫn quốc gia và tài liệu tập huấn để phục vụ việc mở rộng dịch vụ PrEP.
Dự án đã làm việc với các nhóm cộng đồng của những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, các đối tác khu vực tư nhân, các phòng khám ngoại trú công và tư để cung cấp dịch vụ PrEP cho 1.895 người có nguy cơ lây nhiễm HIV tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và người âm tính với HIV nhưng là bạn tình/vợ/chồng của người nhiễm HIV chưa đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Người nhiễm HIV đang sử dụng thuốc và tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế sẽ không thể truyền bệnh cho người khác, vì vậy PrEP hướng vào vợ/chồng/bạn tình của những người nhiễm HIV và chưa đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế vì họ vẫn có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Dịch vụ PrEP cũng được cung cấp thông qua một dự án thí điểm của UNAIDS.