Hà Nội

Việt Nam hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine đáp ứng với các dịch bệnh trong tương lai

22-05-2023 12:04 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Bằng cách tận dụng kinh nghiệm quốc tế và hợp tác với các bên liên quan, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế.

Sáng 22/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI), Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu sản xuất vaccine và tham gia của Việt Nam trong chương trình chuyển giao công nghệ mRNA của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do dự án "Hỗ trợ Tăng cường Tiếp cận vaccine và Năng lực Hệ thống Y tế để Việt Nam Ứng phó với COVID-19" hỗ trợ. Dự án này do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP.

Tham dự Hội thảo có đại diện của các vụ, cục, các đơn vị của Bộ Y tế bao gồm Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Dược, Cục Y tế Dự phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Kiểm định vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm số 1 và các viện, trung tâm, công ty trong nước đang nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine - Ảnh 1.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

UNDP phối hợp với HSPI thực hiện 3 nghiên cứu. Tại Hội thảo này, các nghiên cứu viên sẽ chia sẻ những phát hiện của 3 nghiên cứu bao gồm tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển và sản xuất vaccine trong nước, lập bản đồ năng lực sản xuất vaccine hiện tại của Việt Nam và các chính sách và thủ tục cấp phép vaccine quốc tế, bao gồm kinh nghiệm cấp phép vaccine COVID-19 quốc tế. Hội thảo là cơ hội để chia sẽ những kết quả nghiên cứu đồng thời thảo luận về các bước tiếp theo trong việc áp dụng các kết quả.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, sự tham gia của Việt Nam vào Chương trình chuyển giao công nghệ mRNA do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng đã đánh dấu một bước quan trọng hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine trong nước.

Đại dịch COVID-19 bộc lộ sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine

Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Ong Thế Duệ, Phó trưởng Khoa Tài chính y tế và đánh giá công nghệ y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, trong đại dịch COVID-19 vừa qua hiện ra một bức tranh rõ nét trong vấn đề sản xuất vaccine COVID-19 nói riêng và sản xuất vaccine nói chung.

"Đến tháng 2/2022, trên thế giới có hơn 10 tỷ liều vaccine được tiêm, nhưng tại những khu vực như châu Phi có đến 83% người dân chưa được tiêm. Có 27 nước tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 chưa đến 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm đến mũi tiêm thứ 3 cho người dân. Tình trạng bất bình đẳng vaccine này không chỉ xảy ra đối với vaccine COVID-19 mà còn xảy ra với các loại vaccine khác ", TS. Duệ nhấn mạnh.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine - Ảnh 3.

TS.BS Ong Thế Duệ, Phó trưởng Khoa Tài chính y tế và đánh giá công nghệ y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế nhận định: Tình trạng bất bình đẳng vaccine này không chỉ xảy ra đối với vaccine COVID-19 mà còn xảy ra với các loại vaccine khác.

Riêng về vaccine COVID-19, đến giữa năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 thấp nhất Đông Nam Á. Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: "Vào 6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam với sự hỗ trợ của COVAX và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, đã cứu sống được nhiều mạng người, tạo điều kiện quan trọng để tái mở cửa, khôi phục kinh tế".

"Rõ ràng việc tiếp cận vaccine rất quan trọng ở cả góc độ chương trình tiêm chủng thường quy cũng như vaccine khẩn cấp trong đại dịch cũng như các đại dịch khác trong tương lai", ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, sản xuất vaccine đáp ứng với mọi đại dịch trong tương lai

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã mở ra một công nghệ mới trong phát triển vaccine. Việt Nam xác định được nhu cầu để từ đó tăng cường sản xuất cũng như chứng nhận vaccine thông qua việc ứng dụng và tham gia vào chương trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đó là chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA của WHO thông qua Afrigen ở Cape Town, Nam Phi.

Việt Nam hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine đáp ứng với các dịch bệnh trong tương lai - Ảnh 4.

Hội thảo có sự tham gia của các cục, vụ, viện của Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, các đơn vị sản xuất vaccine tại Việt Nam.

"Việc tăng cường năng lực của Việt Nam sẽ đóng góp vào việc sản xuất vaccine thường quy cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó ứng dụng các công nghệ và cách tiếp cận mới cũng như tăng cường năng lực trong việc đáp ứng các dịch bệnh mới nổi cũng như các đại dịch trong tương lai", Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói.

Tại hội thảo này, các đại biểu sẽ đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực. Lộ trình này vạch ra các bước và các hành động cần thiết để nâng cao năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh y tế khu vực.

Hội thảo đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng khác nhau, bao gồm đánh giá tài liệu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển và sản xuất vaccine trong nước, tập trung vào việc lập bản đồ năng lực sản xuất vaccine hiện tại của Việt Nam, và cung cấp những thông tin có giá trị cho việc lập kế hoạch trong tương lai. Báo cáo này cung cấp những hiểu biết có giá trị về các khía cạnh kỹ thuật trong sản xuất vaccine mRNA và tiềm năng ứng dụng của vaccine này tại Việt Nam.

Hội thảo lần này có sự tham gia của các cục, vụ, viện, doanh nghiệp, chuyên gia cao cấp và các đối tác ... sẽ góp phần xây dựng một chiến lược quốc gia hiệu quả nhằm tăng cường tiếp cận vaccine tại Việt Nam và khu vực rộng hơn trong thời gian tới.

Hội thảo là một bước hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine của Việt Nam. Bằng cách tận dụng kinh nghiệm quốc tế và hợp tác với các bên liên quan chính, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất vaccine và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế.

Hải Yến
Ý kiến của bạn