Điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này, phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang- Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Mời các bạn nghe TS Nguyễn Huy Quang nói tại đây
PV: Thưa ông, với số lượng người có giới tính không trùng với giới tính hiện có như vậy, nhưng do chúng ta thiếu hành lang pháp lý nên họ đã phải đi nước ngoài để được “sống thật với giới tính của mình”?
TS Nguyễn Huy Quang: Do trước đây chúng ta chưa cho phép chuyển đổi giới tính, cho nên nhiều người có nhu cầu buộc phải ra nước ngoài để được "sống thật với giới tính của mình". Theo ước tính, đến nay có khoảng 500-1.000 người Việt Nam đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài. Đây là thực tiễn cuộc sống. Chính vì lý do đó, chúng ta phải xem xét, nếu pháp luật không cho phép thì những người này sẽ sống thế nào.
PV: Từ thực tiễn nghiên cứu của mình, ông có thể cho biết cuộc sống của người thuộc giới tính thứ 3 gặp khó khăn ra sao khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý thừa nhận họ?
TS Nguyễn Huy Quang: Tôi cho rằng, nếu pháp luật không cho phép đồng nghĩa với việc một người không được sống đúng với giới tính mình mong muốn. Điều này gây tổn thương tâm lý cũng như tình cảm của họ. Về mặt xã hội, nó không giảm được vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người thuộc giới tính thứ 3. Cũng vì pháp luật không cho phép, nên họ phải ra nước ngoài chuyển đổi giới tính. Thiếu thông tin, phụ thuộc vào các đường dây đưa người ra nước ngoài, phần lớn là phẫu thuật chui, nên họ chịu tốn kém, nguy cơ rủi ro rất cao.
Tuy nhiên việc chuyển đổi giới tính thì đã khó, đến khi về nước sinh sống lại càng gặp nhiều trở ngại hơn. Do pháp luật không cho phép nên họ không được công nhận về nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ. Những người này vô hình chung trở thành người “vô hình”, không được pháp luật thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu, tiền thế chấp... không khớp với tình trạng cơ thể trên thực tế. Vì thế, họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hàng ngày, không được bảo vệ trong các trường hợp diễn ra tội phạm liên quan hiếp dâm, hộ tịch, kết hôn...
Cũng xuất phát từ việc không được công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính như trên, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người đã phẫu thuật chuyển giới tính cũng gặp khó khăn. Khi tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự (TTHS) cũng như trong quá trình thi hành án hình sự, có một số biện pháp cưỡng chế mà khi thực hiện cần căn cứ vào giới tính của đối tượng áp dụng như khám người, tạm giữ, tạm giam trong TTHS; thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong TTHS.
Thực tiễn áp dụng cho thấy, khi áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới đã có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ.
PV: Thế nhưng cũng có những ý kiến lo ngại việc cho phép chuyển đổi giới tính sẽ có nhiều người (không phải là người chuyển giới) đi phẫu thuật để trốn tránh pháp luật (tội phạm), thưa ông?
TS Nguyễn Huy Quang: Đúng là cũng có những ý kiến này. Tuy nhiên trên thực tế, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính không thay đổi khuôn mặt (chỉ thay đổi nếu phẫu thuật thẩm mỹ). Một điểm rất quan trọng là dấu vân tay của người đó không thể thay đổi được. Hơn nữa, không phải muốn chuyển giới là được bởi nếu không thực sự là người chuyển giới sẽ khó vượt qua giai đoạn về kiểm tra đời sống thực (sống như giới tính mình mong muốn). Những hệ quả lâu dài (giảm tuổi thọ, không có khả năng có con cái, tiêm hormone suốt đời…) có thể làm nhiều người chuyển giới e ngại, bỏ cuộc chứ chưa nói đến những người dị tính hay đồng tính. Chính vì vậy, sự lo ngại trên là không hợp lý.
PV : Ông có thể cho biết, ở nước ta những cơ sở y tế nào sẽ đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính?
TS Nguyễn Huy Quang: Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật về y học. Dù chuyển nữ sang nam khó hơn nhưng các bệnh viện ngoại khoa hay bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đều có khả năng thực hiện được kỹ thuật này cũng như sử dụng liệu pháp hormone sau phẫu thuật. Dù vậy, để thực hiện được việc chuyển đổi giới tính cần phải xây dựng có đạo luật riêng như luật chuyển đổi giới tính. Hy vọng trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội có thể đưa vấn đề này vào chương trình xây dựng luật để có luật chuyên ngành về vấn đề này. Có như thế mới có đầy đủ cơ sở pháp lý cho vấn đề này.
PV: Thế nhưng thưa ông, việc cho phép chuyển đổi giới tính chắc hẳn sẽ có phát sinh hệ lụỵ?
TS Nguyễn Huy Quang: Xét về góc độ quyền con người, việc cho phép chuyển giới là việc làm ý nghĩa và mang tính nhân văn cao. Tuy nhiên, nếu được pháp luật cho phép chuyển giới thì cũng có không ít hệ quả có thể xảy ra
Khi chuyển đổi giới tính sẽ có những hệ quả lâu dài về sức khỏe. Quá trình tiêm hormone suốt đời khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh tật cao. Người chuyển giới từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hoocmon thường xuyên trong suốt cuộc đời, dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao.
Do cơ thể họ đã hoàn thiện về giới tính sinh học, giờ bị thay đổi giới tính nên theo các nhà khoa học chuyên môn y tế, tuổi thọ của người chuyển giới có thể giảm đến 20 năm.
Một số người sau khi đã chuyển giới, do thay đổi thói quen sinh hoạt, do chưa thích nghi kịp với nhiều thứ thay đổi của cuộc sống mới và không thỏa mãn thật sự với giới tính mới nên dẫn đến trầm cảm, thậm chí cả tự tử.
Người đã chuyển đổi giới tính sẽ không bao giờ có con nếu quan hệ tình dục thông thường, nếu có bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng sẽ dẫn đến rất nhiều bi kịch như khi có con, ai sẽ là bố, ai sẽ là mẹ, con cái gọi học thế nào, xã hội nhìn nhận đối với đứa trẻ này ra sao…
Về sinh học, người đã chuyển đổi giới tính sẽ không được thỏa mãn về tình dục như những người bình thường khác.
PV: Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các rủi ro xảy ra khi cho phép chuyển đổi giới như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Huy Quang: Hiện trên thế giới có 20 nước và vùng lãnh thổ thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, châu Á có 5 quốc gia, gồm: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan. Nếu Việt Nam thừa nhận thì sẽ là quốc gia thứ 6 ở châu Á và là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á. Nói như thế không có nghĩa là việc cho phép chuyển đổi giới tính là thi đua gì, nhưng nó cũng là bước đột phá trong tư duy xã hội, pháp luật, ứng xử với những con người đặc biệt mà bản thân họ và gia đình không mong muốn mình khác biệt như thế.
Đa số các nước đã cho phép tiến hành một loạt các chỉ số y học, tâm lý, điều kiện, hoàn cảnh sống của gia đình để xác định bước đầu nhu cầu chuyển giới và sau đó cho người có nhu cầu chuyển giới đó sống đúng như giới tính mà họ mong muốn từ 1 đến 2 năm. Nếu sau thời gian đó họ thực sự thích nghi được với giới tính mới thì mới tiến hành can thiệp y học để chuyển giới cho họ.
Trước khi chuyển đổi giới tính cần tìm hiểu rõ những việc này và để để tránh trường hợp hối hận sau khi chuyển giới tính cần phải có những trình tự chuẩn bị trước khi chuyển đổi. "Ví dụ người nam muốn chuyển đổi giới tính sang nữ cần phải có thời gian sống thử với mọi hoạt động thường ngày của phụ nữ như mặc váy, tô son đánh phấn, đi giày cao gót, các sở thích của nữ giới... Ngược lại, khi nữ muốn chuyển hành nam cũng cần phải sinh hoạt như nam giới như tham gia các hoạt động thể thao, làm việc nặng, chân tay trong khoảng thời gian từ 1-2 năm. Khi thấy mình phù hợp mới quyết định để y học can thiệp chuyển đổi giới tính. Ở Thái Lan, khoảng thời gian sống thử là 1 năm", ông Quang đề xuất. Để tạo thuận lợi cho người chuyển đổi giới tính, ông Quang cho biết sau khi thực hiện xong, ngành y tế sẽ cấp 1 giấy chứng nhận xác nhận đã phẫu thuật chuyển giới để từ đó làm căn cứ khai báo các thủ tục pháp lý cũng như sinh hoạt khác.