Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn cán bộ của Bộ Y tế do TS.BS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Chủ tịch đương nhiệm các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế ASEAN lần thứ 10 đã tham dự Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế lần thứ 11 (SOMHD 11) và các Hội nghị liên quan, bao gồm Hội nghị SOMHD 3 lần thứ6 và Hội nghị SOMHD Trung Quốc lần thứ 6 tổ chức tại Brunei Darussalam từ ngày 09-11/8/2016.
Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Phát triển Y tế lần thứ 11 (SOMHD 11) được tổ chức theo hình thức luân phiên. Sau Việt Nam, đến lượt Brunei Daussalam là nước chủ nhà của các hội nghị ASEAN về lĩnh vực y tế. Hội nghị lần này có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, Phó Tổng Thư ký ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Đoàn Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm với phó tổng thư ký Asean
Mở đầu Hội nghị, Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch đương nhiệm của SOMHD lần thứ 10 đã báo cáotiến độ các hoạt động và những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch 01 năm của mình. Trong báo cáo, TS. Trần Thị Giáng Hương đã điểm lại vai trò Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 của Việt Nam từ tháng 9/2014 đến năm 2016. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12,Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN Trung Quốc lần thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 9/2014. Đồng thời 04 Hội nghị chuyên đề về Già hóa dân số; Bao phủ y tế toàn dân; Phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi và HIV/AIDS cũng đã được tổ chức rất thành công. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Việt Nam cùng Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã thông qua Chương trình Phát triển Y tế sau năm 2015 của ASEAN(Post 2015 Health Agenda). Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp với nhiều dịch bệnh mới bùng phát, bao gồm dịch Ebola, Mers CoV, Việt Nam đã chủ động chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 trực tuyến đặc biệt về các mối đe dọa của MERS-CoV vào tháng 7/2015; hỗ trợ triển khai thực hiện các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ASEAN 3 và ASEAN Trung Quốc; thông qua Chiến lược loại trừ bệnh dại của ASEAN mà Việt Nam là nước điều phối chính. Trong thời gian này, ASEAN cũng đã có rất nhiều ấn phẩm được công bố như Báo cáo khu vực về An ninh Dinh dưỡng của ASEAN (tập 1 và 2), Tập san Y tế điện tử … và các ấn phẩm khác.
TS. Trần Thị Giáng Hương cũng báo cáo với Hội nghị về những kết quả hợp tác y tế ASEAN đã đạt được trong nhiệm kỳ 1 năm làm Chủ tịch SOMHD lần thứ 10 của mình, cụ thể là việc hoàn thành Kế hoạch hành động của các Nhóm công tác chuyên môn; hỗ trợ việc xây dựng cơ chế quản trị và thực hiện Chương trình Phát triển Y tế sau năm 2015; hỗ trợ đẩy mạnh tiến độ thông qua Chính sách An toàn Thực phẩm của ASEAN; xây dựng Kế hoạch hợp tác giữa ASEAN và WHO giai đoạn 2016-2017, thông qua Chương trình Đối tác Toàn cầu ASEAN-Canada về Giảm thiểu các mối đe dọa sinh học; ASEAN cũng đã tổ chức Cuộc họp bên lề về “Mục tiêu 3 không” tại Hội nghị Cấp cao của Liên Hợp quốc về Kết thúc đại dịch AIDS;; hoàn thiện việc xuất bản tài liệu về Sức khỏe Tâm thần của ASEAN; Công bố Báo cáo của khu vực ASEAN về An ninh Dinh dưỡng vào tháng 3 năm 2016; Khai trương Trung tâm Đánh giá Nguy cơ của ASEAN về An toàn Thực phẩm tại Malaysia vào tháng 3 năm 2016 và tổ chức các cuộc họp xây dựng kế hoạch hành động của các Nhóm Y tế của ASEAN (Health Clusters).
Tại Hội nghị SOMHD 11, TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế đã chuyển giao vị trí Chủ tịch của SOMHD lần thứ 10 cho bà Hjh Maslina Hj Mohsin, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Brunei Darussalam. Các nước ASEAN đã đánh giá rất cao nhiệm kỳ 01 năm Chủ tịch SOMHD của Việt Nam với rất nhiều hoạt động được hoàn thành và đạt kết quả cao.
Tại hội nghị, Phó Tổng Thư ký ASEAN, ngài Vongthep Arthakaivalvatee đã cập nhật với Hội nghị về các Hội nghị/Cuộc họp của ASEAN và các cuộc họp của khu vực liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực y tế như ASEAN và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cập nhật các Hội nghị cấp cao của ASEAN 2016 và các Hội nghị liên quan bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, SOCA, Cuộc họp Hội đồng ASCC và cập nhật về các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo của các Trưởng nhóm Y tế của ASEAN và tập trung thảo luận về Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 của 4 Nhóm Y tế của ASEAN, bao gồm: Tăng cường lối sống lành mạnh; Ứng phó với những nguy cơ và mối đe dọa khẩn cấp; Tăng cường Hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe; và Tăng cường An toàn thực phẩm.
Việt Nam bàn giao vị trí chủ tịch cho Brunei
Hội nghị đã đánh giá cao nỗ lực của 4 Nhóm Y tế ASEAN trong việc xây dựng Kế hoạch Hành động của mỗi nhóm chogiai đoạn 2016-2020 để trình lên SOMHD thông qua. Kế hoạch hành động của các Nhóm Y tế được xây dựng căn cứ vào các ưu tiên y tế để đạt được các mục tiêu và chiến lược của Chương trình Phát triển y tế sau năm 2015 như: tăng cường lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp; tăng cường sức khỏe tâm thần; tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi; phòng chống bệnh lây nhiễm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi; tăng cường năng lực phòng thí nghiệm; phòng chống kháng thuốc; quản lý thảm họa; y học cổ truyền; thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ chưa hoàn thành; Bao phủ y tế toàn dân; Sức khỏe người di cư;; tài chính y tế; phát triển nguồn nhân lực y tế,phát triển dược phẩm, tiếp cận thuốc an toàn hợp lý và an toàn thực phẩm…
Các nước cũng đã phân công nước điều phối/đầu mối của từng hoạt động trong Kế hoạch hành động của các Nhóm Y tế giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Việt Nam đã nhận làm nước điều phối/đầu mối của một số hoạt động như: xây dựng tài liệu truyền thông của ASEAN về đánh giá môi trường thân thiện cho người cao tuổi; xây dựng mô hình thực hành tốt về nuôi con bằng sữa mẹ; xây dựng mô hình dịch vụ lồng ghép cho phòng chống bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần và tuổi già năng động; tiếp tục thực hiện Dự án ASEAN-ARCH về Tăng cường năng lực của khu vực về ứng phó với thảm họa; tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin trong ASEAN về nghiên cứu, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng, chất lượng dược phẩm; xây dựng Chương trình Nghiên cứu y tế 2017-2020.
Ts.Trần Thị Giáng Hương chủ trì hội nghị
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận về Khung Qui định về An toàn thực phẩm của ASEAN (ASEAN Food Safety Regulatory Framework). Hội nghị cũng đã thảo luận về dự thảo Tuyên bố của ASEAN về Kết thúc đại dịch AIDS do SOMHD của CHDCND Lào đề xuất. Dự kiến các tài liệu này sẽ được đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới tại Viên chăn vào tháng 9/2016 để thông qua. Hội nghị cũng thảo luận sôi nổi về cơ chế quản trị và thực hiện những vấn đề liên quan đa ngành và cần sự phối hợp chặt chẽ của các nhóm y tế. Hội nghị đã rà soát lại đầu mối các Nhóm Công tác của ASEAN cũng như Trưởng Nhóm/Điều phối Nhóm Y tế để hỗ trợ các quan chức cao cấp hoàn thành nhiệm vụ đã được các Bộ trưởng Y tế giao phó.
Tiếp nối hội nghị SOMHD lần thứ 11, Hội nghị ASEAN SOMHD 3 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị ASEAN SOMHD Trung Quốc lần thứ 6 được tổ chức vào ngày 11/8/2016.
Tại 2 Hội nghị này, Việt Nam với vai trò là Đồng Chủ tịch của 02 Hội nghị đã báo cáo về tiến độ các hoạt động thực hiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch 01 năm của mình.
Việt Nam đã bàn giao vị trí Đồng Chủ tịch của Hội nghị SOMHD lần thứ 6 cho Brunei Darussalam và Nhật Bản. Hội nghị SOMHD 3 lần thứ 6 đã điểm lại các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ASEAN 3 và đã thống nhất các lĩnh vực hợp tác trong giai đoạn 2016-2017 như sau: sức khỏe người cao tuổi; bao phủ y tế toàn dân; phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi;y học cổ truyền;phòng chống các bệnh không lây nhiễm; An toàn thực phẩm; phát triển nguồn nhân lực y tế; phòng chống kháng thuốc. Đồng thời xem xét, hỗ trợ các Nhóm Y tế thực hiện các ưu tiên y tế của 4 nhóm y tế. Các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các nước đối tácNhật bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đối với các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN 3, đặc biệt là Sáng kiến Y tế ASEAN-Nhật Bản do Chính phủ Nhật Bản đề xuất. Đặc biệt, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai Chương trình Trao đổi y tế ASEAN-Nhật Bản với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về xây dựng chính sách y tế mà các nước ASEAN quan tâm như sức khỏe người cao tuổi, tài chính y tế, bao phủ y tế toàn dân, phòng chống kháng thuốc, an toàn thực phẩm v.v... Đối tượng của Chương trình này là các cán bộ y tế tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Bộ Y tế các nước ASEAN muốn học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách y tế của Nhật Bản.
Tại Hội nghị SOMHD Trung Quốc lần thứ 6, Việt Nam đã bàn giao vị trí Đồng Chủ tịch cho Brunei Darussalam và đã thay mặt Đồng Chủ tịch của Hội nghị báo cáo về tiến độ thực hiện các hoạt động cũng như các sáng kiến trong nhiệm kỳ 01 năm đồng Chủ tịch.Hội nghị đã thảo luận và thống nhất về các lĩnh vực hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2017 bao gồm: phát triển y học cổ truyền, tăng cường năng lực ứng phó với các vấn đề y tế công cộng; phát triển nguồn nhân lực y tế; phòng chống bệnh lây nhiễm, trong đó tập trung vào phòng chống dịch bệnh qua biên giới; phòng chống bệnh không lây nhiễm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội nghị cũng ghi nhận nỗ lực của Trung Quốc trong việc tổ chức nhiều khóa đào tạo và hội nghị, hội thảo quốc tế dành cho các nước ASEAN về các nội dung mà Trung Quốc có thế mạnh như: y học cổ truyền, y tế công cộng…
Hội nghị SOMHD lần thứ 11 và các Hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường và thắt chặt hơn nữa hợp tác y tế giữa các nước ASEAN và các quốc gia đối tác của ASEAN. Với vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN đồng thời là Chủ tịch các Quan chức cao cấp ASEAN về phát triển y tế, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự chủ động, tích cực, được các nước thành viên ASEAN và lãnh đạo ASEAN đánh giá cao. Thành công này đã góp phần tích cực vào nâng cao vai trò và vị thế của ngành y tế Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.