Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Về câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam với tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên.
Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng tôi nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung và trong quá trình này”.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định lại: “Duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng mà còn là trách nhiệm chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong nỗ lực chung hướng tới mục tiêu này”.
* Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan tới việc nối lại đường bay tới một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam đã bước đầu được kiểm soát, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng nước ngoài về khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về việc dự kiến nối lại đường bay tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) từ giữa tháng 07/2020 trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Giao thông Vận tải đang trao đổi với cơ quan chức năng các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên để thống nhất các vấn đề kỹ thuật bay, tần suất và lộ trình cụ thể.
Trước mắt, Việt Nam sẽ ưu tiên các đối tượng đang được phép nhập cảnh hiện nay bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao và công vụ, cùng một số trường hợp đặc biệt khác. Người nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện kiểm dịch y tế và thực hiện cách ly phù hợp theo quy định về phòng chống dịch./.