Việt Nam hiện thiếu trầm trọng bác sĩ răng hàm mặt

06-10-2016 16:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh răng miệng là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi. Theo điều tra của nhiều tác giả trên thế giới cũng như trong nước cho thấy người mắc bệnh răng miệng chiếm tỷ lệ rất cao, như sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng, mất răng…,Điều đáng nói, tại Việt Nam hiện thiếu trầm trọng bác sĩ răng hàm mặt. Nếu như ở các nước phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 1.000-2.000 dân thì ở Châu Á 1/5000 dân còn ở nước ta, tỷ lệ này trung bình là 1/25.000. Ở nhiều huyện, người dân hầu như không được chăm sóc sức khỏe răng miệng vì không có nha sĩ.

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Khoa học và Đào tạo Răng Hàm Mặt của Viện Đào tạo Răng hàm mặt- Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức ngày 6-7/10  tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhằm  hướng tới hội nhập và từng bước sánh vai với các trường đào tạo Răng Hàm Mặt trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị lần này là dịp để các bác sĩ có cơ hội cập nhật về đào tạo và thực hành nha khoa hiện đại mà còn là cơ hội để các bác sĩ được giới thiệu các hướng nghiên cứu, giảng dạy từ một số các trường đại học tiên tiến của Hoa Kỳ, Châu Âu, Hồng Kông…cũng như giới thiệu những hình ảnh mới về trang thiết bị, vật liệu phong phú trên nhiều lĩnh vực của Răng Hàm Mặt.

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh -Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị tập trung nhiều chuyên gia, bác sĩ, giảng viên đến từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới với nhiều chủ đề cập nhật như: Đào tạo tiên tiến, Thẩm mỹ vùng hàm mặt- mô mềm, Implant nha khoa, nha khoa phục hồi, nắn chỉnh răng, triển lãm vật liệu và công nghệ mới..

PGS. TS. Trương Mạnh Dũng Viện Trưởng, Viện Đào Tạo Răng Hàm Mặt, trong những năm qua Viện Đào tạo răng Hàm mặt đã bắt đầu đổi mới giáo dục nha khoa áp dụng những nghiên cứu, kỹ thuật mới về điều trị Răng Hàm Mặt đã có bước bứt phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và phòng bệnh. Bên cạnh các ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán và điều trị, chương trình chăm sóc răng miệng cho cộng đồng cũng được chú trọng và phát triển đặc biệt nghiên cứu về thực trạng bệnh răng miệng ở người cao tuổi năm 2015.

Với uy tín về đạo tạo các y bác sĩ về chuyên khoa răng hàm mặt có thể nói, nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, ngành răng hàm mặt đã có bước phát triển vượt bậc, mang lại lợi ích cho người bệnh và cộng đồng. Do vậy, với chương trình khoa học lần này  sẽ giúp cho các bác sĩ ngành răng hàm mặt tiếp cận và hội nhập với nền nha khoa hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo khám chữa bệnh, phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị sẽ có 24 chuyên đề khoa học về các chuyên ngành sâu được trình bày. Các chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực Đổi mới để hội nhập đào tạo Nha Khoa, đổi mới  giáo dục trong Răng Hàm Mặt, chẩn đoán phân biệt và chiến lược điều trị những thay đổi về khớp cắn, tái tạo xương có chủ đích trong cấy ghép Implant,  phục hình răng, nha khoa thẩm mỹ,  điều trị nội nha, phẫu thuật và bệnh lý về miệng - hàm mặt, nha chu, nha khoa dự phòng và nắn chỉnh răng…


Theo điều tra mới đây của Bộ Y tế cho thấy, trên 90% người dân Việt Nam bị bệnh răng miệng, tuy nhiên, có đến 55% dân số không bao giờ đi khám răng. Riêng ở trẻ em 6-8 tuổi, hơn 85% bị bệnh sâu răng (trung bình là 5,4 chiếc) nhưng 94% trong số đó không được điều trị.

Trong số những người khám răng, có đến 44% đi khám do đau, chỉ gần 10% đến bác sĩ với mục đích kiểm tra. Nhóm tuổi 35-45 chăm đi khám răng nhất và cũng là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Các bệnh răng miệng thường gặp là sâu răng, mất răng, nha chu (bệnh quanh răng), viêm niêm mạc miệng... Riêng về sâu răng, tỷ lệ mắc bệnh tăng từ 75% ở độ tuổi 18-34 lên thành 90% ở độ tuổi từ 45 trở lên. Gần 97% dân số Việt Nam có bệnh quanh răng. Chưa tới 10% dân số có sức khỏe quanh răng ở mức chấp nhận được.

Theo các chuyên gia, Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng kể trên trong đó chủ yếu là người dân hầu như không có kiến thức về chăm sóc, bảo vệ răng miệng. Nhiều người có thói quen sử dụng các loại thực phẩm với hàm lượng đường cao….




Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn