Việt Nam Hà Lan ký bản ghi nhớ về quản lý an toàn thực phẩm

12-07-2017 16:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte đã cùng Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện cho Nhóm Ngân hàng Thế giới, ký bản ghi nhớ về hợp tác quản lý ATTP, thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Hà Lan, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhằm góp phần phát triển an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Hai Thủ tướng và đại diện Ngân hàng thế giới ký kết thỏa thuận về ATTP

Theo đó, Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc góp phần xây dựng một kế hoạch hành động để tăng cường hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ của Nhóm Ngân hàng Thế giới phù hợp với nhiệm vụ, khuôn khổ đối tác quốc gia và chính sách của Nhóm này. Hà Lan sẽ huy động chuyên gia hàng đầu để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật chất lượng cao tăng cường năng lực và cơ sở hạ tầng cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam bằng cách xây dựng một hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia để tạo ra một cơ quan tham vấn hoặc chẩn đoán độc lập nhằm hỗ trợ các phòng thí nghiệm của Chính phủ (và cả các phòng thí nghiệm tư nhân, nếu cần thiết) với phương pháp thống nhất, thích hợp, có năng lực xác nhận và pháp lý; kiểm soát chất lượng và xây dựng năng lực ở cấp quốc gia và các cấp thấp hơn qua đó cho phép tiến hành xét nghiệm về an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hà Lan sẽ giúp Việt Nam xây dựng quy trình để nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong chuỗi thức ăn nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm đồng thời tăng cường sự tín nhiệm của công chúng trong nước cũng như trên thế giới về hệ thống an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đầu tư vào các hệ thống kho lạnh và hậu cần nông nghiệp và chuyển giao kiến thức vận hành những hệ thống này nhằm giảm tổn thất lương thực, thực phẩm. Trong tương lai Việt Nam với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu thực phẩm và thực phẩm đã chế biến có chất lượng cao và bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như Bộ tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.

Vấn đề ATTP đã trở thành vấn đề bức thiết và đáng báo động tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề nhiễm độc thực phẩm.

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 167,8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 5.065 người bị ngộ độc và 27 người chết. Nguyên nhân chính là do nguyên liệu và sản phẩm chứa độc tố, quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, việc sử dụng bừa bãi các chất phụ gia, các loại thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép….

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn